Đi tìm Khu căn cứ Tỉnh ủy trong kháng chiến ở rừng Sa Lôn

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:46, 26/09/2017

BT- Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tỉnh ủy Bình Thuận đã từng đứng chân tại hơn 100 địa điểm khác nhau trên vùng rừng núi xa xôi, hiểm trở, như: xóm Rẫy (Hàm Thuận Nam); Đá Mài thuộc núi Ông (Tánh Linh), đèo Gió Lạnh (Hàm Thuận Nam); Sa Lôn (Saloun), Ra Pú (Đông Giang, Hàm Thuận Bắc); suối Thị, sông Rưng, A Ra (Di Linh)…; gần cuối cuộc chiến tranh thì về khu rừng ở km số 35 - 36 nằm ven đường 8 (nay là quốc lộ 28).
                
   Một chuyến về nguồn của các cựu chiến    binh.

Từ tháng 4/2017, Tỉnh ủy đã tổ chức hội thảo để xác định các địa điểm căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), để chọn địa điểm lập hồ sơ di tích và phục dựng lại Khu căn cứ Tỉnh ủy nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Đồng thời góp phần phát triển du lịch địa phương. Địa điểm được hội thảo chọn là Khu căn cứ Tỉnh ủy nhiều năm đứng chân ở rừng Sa Lôn (Saloun) - đây là tên một khu rừng rậm ngày nay thuộc xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc.

Từ tháng 4 đến nay đã có hơn chục chuyến vào rừng khảo sát, tất cả mọi chuyến xe đều vào được, nhưng chuyến đi ngày 5/8/2017 với hơn chục các chú, các bác từng nhiều năm công tác ở đây trong các bộ phận văn phòng, cơ yếu, cảnh vệ, giao liên… đa phần trên 70 tuổi, trong đó có bác Võ Văn Nhơn (Võ Xuân Công) gần 80 tuổi, gặp nhiều khó khăn. Đến địa phận xã Đông Giang đón thêm anh K’Vĩnh và anh K’Ren là người dân tộc K’ho dẫn đường.

Trước đó trời mưa suốt 4 ngày liên tục, hôm chúng tôi đến vẫn còn mưa, đường trơn trượt, xe 16 chỗ không thể nào chạy được, đành ở lại - cũng may là có một chiếc xe tải cũ, loại xe tải của Liên Xô trước đây, sau khi thương lượng, lái xe cho cả đoàn lên thùng xe cùng đi. Ngồi sau thùng xe tải tuy vất vả nhưng các cụ nói như vậy mới thực sự đúng nghĩa trở lại chiến trường xưa. Tôi hỏi rừng Sa Lôn có gần không, một cựu chiến binh nói là qua khỏi trạm Chị Huyền sẽ đến Sa Lôn. Nhiều người cười giòn tan sau câu trả lời, còn tôi không hiểu vì sao họ cười. Bắt đầu vào rừng, tiếng một bác cựu chiến binh phân công anh K’Vĩnh chặt tre làm cho mỗi người một chiếc gậy, sau đó cũng bác này bảo anh K’Ren lên trước dẫn đường còn anh K’Vĩnh khóa đuôi. Dù biết rừng không có thú dữ nhưng nghe phân công như vậy chúng tôi yên tâm hơn khi bắt đầu vào rừng.

Dọc theo con suối Chín Khúc mùa này trời mưa nhiều nên nước chảy mạnh từ xa đã nghe tiếng ầm ầm. Nhiều đoạn của con suối là nơi bếp ăn của Khu căn cứ Tỉnh ủy xưa (có cả bếp Hoàng Cầm), nay thì dấu vết đã mất. Lên một đoạn khá xa, nghe tiếng nước chảy mạnh, anh K’Ren nói đó là thác Lada. Một bác trong đoàn nói trước đây đã từng chẻ ống lồ ô dẫn nước về căn cứ sinh hoạt.

Gần một tiếng đường rừng trơn trượt, chúng tôi đã bắt gặp dấu tích của căn hầm đầu tiên, căn hầm thứ hai, thứ ba… và các căn hầm khác liên tiếp được tìm thấy. Các cựu chiến binh người vui mừng, người im lặng hồi tưởng lại những năm tháng gian khổ, đói ăn, thiếu thuốc lại thường xuyên bị đạn bom ác liệt… Và họ còn tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh tại đây trong những năm chiến tranh ác liệt.

Đây là hầm của ông Sáu Tú, kia là hầm của ông Tám Từ, hầm ông Mười Bắc, hầm cảnh vệ, hầm y tế, hầm văn phòng, hầm cơ yếu… và kia nữa là nơi Tỉnh ủy tổ chức lễ truy điệuchủ tịch Hồ Chí Minh sau khingười qua đời. Trên miệng hầm mà một số cựu chiến binh cho là hầm của ông Sáu Tú, mọi người đi lại nhẹ nhàng để một cựu chiến binh khác trải tấm ni lon ra và đặt lên đó một dĩa trái cây, bánh ngọt thắp mấy nén nhang tưởng nhớ những người đã khuất.

Rừng rậm, trời kéo mây đen kịt tối cả lối đi. Đã 1 giờ chiều mà chúng tôi còn đang ở trong rừng. Ra đến cửa rừng chờ xe tải hồi sáng đến đón theo thỏa thuận, nhưng gần một giờ ngồi chờ không thấy, trời lại bắt đầu mưa to. Mọi người phải động viên nhau đi bộ. Lúc này có một xe máy của mấy người đi rừng về, chúng tôi nhờ họ chở hai bác sức khỏe yếu hơn ra trước…

Đến nay, việc lập hồ sơ di tích do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành gấp rút, khi Khu căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến tại khu rừng Salôn hoàn thiện, nơi đây sẽ trở thành một quần thể di tích có giá trị về văn hóa, lịch sử, khoa học và cả nghệ thuật quân sự của chiến tranh du kích có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ, quản lý, phát huy giá trị, tinh thần cách mạng cao cả.

NguyỄn Xuân Lý