Thôn Tân Quang (xã Sông Phan, Hàm Tân): Đồng bào thiểu số đón Tết Nguyên đán

Xã hội - Ngày đăng : 13:54, 29/01/2016

BT- Chúng tôi vừa trở lại Tân Quang, một thôn xen ghép của xã Sông Phan (Hàm Tân). Toàn thôn có 309 hộ dân (trên 1.000 khẩu), trong đó, đồng bào Raglai và K’ho là 185 hộ. Theo ông Lê Xuân Dâm, Bí thư chi bộ thôn: Cả thôn có 283 ha đất rẫy, thích hợp với cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày và các loại cây họ đậu.  Ngoài ra còn một ít ruộng 1 vụ, năng suất không cao.
                
      
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm    Minh Tư. Ảnh: L. Thanh

Nhiều năm qua đồng bào dồn sức trồng mì, điều và chăn nuôi bò để tăng thu nhập. Nhờ áp dụng giống mì cao sản, năng suất mì ở Tân Quang đạt từ 30 - 35 tấn tươi/ha. Nguồn thu của đồng bào vì vậy, tuy chưa thật sự khá nhưng đủ ăn và có tích lũy chút ít. “Mấy năm rồi, nhờ  các nguồn vốn của trên đưa về, tập trung cho đường sá, trạm cấp nước, điện thắp sáng nên đời sống của đồng bào khởi sắc. Chỉ có năm nay hơi “bết” một chút. Nhưng đó là do nắng hạn, chớ đồng bào thì hết sức làm ăn” - ông Lê Xuân Dâm nói khi chúng tôi có ý định tìm hiểu đôi chút về thôn Tân Quang. Nhân chuyện, chúng tôi  hỏi ông: Đồng bào Raglai, K’ ho có ăn Tết Nguyên đán Bính Thân thì ông đáp: “Có chớ! Đồng bào có hai cái tết. Tết trong tháng 12 là Tết Đầu lúa, sau đó là ăn tết với đồng bào Kinh. Mới hôm qua, tui  nhắc đồng bào đón Tết Nguyên đán  nhưng nhất quyết không để xảy ra tai nạn giao thông. Con cái ở xa về thì nhớ báo cho thôn quản lý. Cũng hôm qua, thôn thông báo xong,  đã có đồng bào mang măng khô đi bán để lo sắm tết. Mấy cái nhà gần tui thì cũng đã quét dọn!”. Ông Dâm không quên kể với chúng tôi: Tuy sản xuất gặp nắng hạn, năng suất mì chỉ còn khoảng 4 - 5 tấn tươi/ha, giá mua mì tươi chỉ còn 800 đồng/kg tươi, tức khoảng 3.000 đồng/kg khô, thu nhập  của bà con thấp, nhưng nhờ nhiều năm xây dựng thôn văn hóa, bà con trong thôn đã biết tiết kiệm, tết đến cũng có chút ít để sắm sửa. Để chúng tôi tin, ông Dâm giới thiệu chúng tôi đến nhà Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Minh Tư, ngoài 70 tuổi, dân tộc Raglai. Lúc chúng tôi đến, Anh hùng Phạm Minh Tư đang lặt những chiếc lá mai cuối cùng trên một cây mai trồng trước sân. Tôi hỏi, gia đình có chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, ông nói: “Tết Nguyên đán là tết chung của người Việt mình. Bà con mình đang chuẩn bị đón tết. Giao thừa ở đây, Raglai mình  thức cúng ông bà như đồng bào Kinh.  Bọn trẻ thì lấy xe ra thị trấn Tân Nghĩa chơi đến khuya mới về…”. Quả như lời Anh hùng Phạm Minh Tư nói: Mùa xuân đang về với đồng bào  trong thôn. Bằng chứng, lúc nảy trên đường đến nhà ông Tư, chúng tôi  ngang qua một quầy bán các loại nhu yếu phẩm. Ở trước quầy có tấm bảng với dòng chữ ghi: “Có nước ngọt và bia phục vụ tết”. Kinh - Raglai- K’ho… đều cùng chung một Tổ quốc, một đất nước và cùng đang đón mùa xuân  về.

                
Đường đi lại trong thôn Tân Quang, xã Sông    Phan đã được đổ bê tông. Ảnh: H.H

Hoàng Hạc