Vạn Tân Phú bên làng biển Tam Tân

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:42, 31/10/2017

BT- Nằm trong quần thể du lịch ngảnh biển Tam Tân, dốc Ông Bằng, dinh Thầy Thím, vạn Tân Phú thuộc thôn Tam Tân, xã Tân Tiến (La Gi) vừa được UBND tỉnh Bình Thuận quyết định xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa. Đây là cơ sở thờ phụng của ngư dân địa phương với tín ngưỡng và tục thờ thần linh Ông Nam Hải (Cá Ông) đã có từ khi hình thành cư dân, mở xóm lập làng. Tìm về nguồn gốc xưa, làng biển Tam Tân nằm ở cửa sông Maly (nay gọi là sông Phan) mà trước đây bao gồm các làng Tân Nguyên, Tân Quý, Tân Hoàng sau nhập lại, lấy chữ Tân của ba làng trở thành địa danh Tam Tân cho đến ngày nay.

Vạn Tân Phú thuở đầu nằm sát bờ biển. Theo sách Đại Nam nhất thống chí ghi ở đây có dịch trạm Thuận Trình nằm trong hệ thống dịch trạm tuyến lý lộ thời nhà Nguyễn khoảng giữa thế kỷ XIX. Như vậy làng Tam Tân phát triển cùng lúc với làng Phước Lộc, bên cạnh trạm Thuận Phước (Phước Lộc) ở cửa sông La Gi. Liên hệ với lịch sử hình thành dinh Thầy Thím cách đây 135 năm thì làng Tam Tân đã có từ trước đó. Nghề biển luôn chạm mặt với bão tố hiểm nguy và trong những trường hợp may mắn thoát chết thường xuất hiện cá Ông cứu vớt, cùng với những truyền thuyết về Nam Hải Cự tộc Ngọc lân thượng đẳng thần cho nên ngư dân đặt để niềm tin và thờ phụng. Tìm thấy trên bản đồ xưa đối chiếu với địa hình ngày nay thì vị trí “Maly hải khẩu” tức cửa biển ngày ấy nằm không xa các mỏm đá ngảnh nhô ra biển hiện giờ chừng vài trăm thước. Nếu nối dài từ đây ngược lên cửa sông Phan (tức Ba Đăng) thấy rất rõ một con lạch nước chảy dù bị bồi lấp, cắt khúc ở khu dân cư tập trung của làng Tam Tân xen lẫn những đám cây mắm um tùm và một bàu nước quanh năm cạnh khu du lịch Mỏm Đá Chim… nếu nối kết nhau thì đó là đoạn sông Maly tạo ra cửa biển. Cũng đoạn bờ cát biển đó từng là nơi “an táng” Ông lụy rồi sau đó rước “ngọc cốt” về vạn lưu giữ, thờ cúng.

Vạn Tân Phú ban đầu chỉ là bộ khung nhà gỗ, mái lá đơn sơ làm nơi cúng lễ nhưng sau đó bị một cơn lũ lụt lớn, nước sông Maly tràn ngập vùi dập cả ba làng, mở ra cửa biển mới Ba Đăng và phần hạ lưu dòng sông bị bồi lấp, dân cư phải chuyển dời. Vạn Tân Phú cũng phải dời vào trong phần đất chùa Quảng Hương như hiện trạng bây giờ. Cư dân làng Tam Tân gốc dân phiêu tán từ miền Trung theo đường biển xuôi nam và gặp cửa sông thuận lợi với vùng đất trù trù phú đã chọn nơi này lập nghiệp. Trong sự tích Thầy Thím có nói đến sự hiển linh của Thầy về tài đóng ghe giúp dân làng Tam Tân làm nghề biển, chỉ bằng phép thuật “sái đậu thành binh” mà chiếc ghe sớm được hoàn thành từ cánh rừng Bàu Thông được đẩy ra cửa sông Maly nay cho là dấu vết với cái tên Đường Ván, chỉ còn một trũng nước kéo dài khi vào mùa mưa. Từ phong cách, tập quán, tục lệ của cộng đồng cư dân có cùng một địa phương cho nên trong nghi lễ, thờ phụng ở vạn Tân Phú cũng có những nét tương đồng, dáng dấp thường thấy ở các vạn trong vùng như ở Tân Long, Phước Lộc. Ngư dân Tam Tân, phần đông vừa là hội viên dinh Thầy Thím vừa là tín đồ phật giáo chùa Quảng Hương… Do đó ngôi vạn thờ Tân Phú được xây dựng và tiếp tục trùng tu ngày càng thêm bề thế. Từ gian chính điện với hương án, khám thờ lưu giữ nhiều bộ xương cá Ông linh thiêng. Từ võ ca, cổng tam quan đến bình phong, cột cờ, nhà khói… được bố trí hợp lý, hài hòa tạo nên một khuôn viên nghiêm trang, thông thoáng. Gian thờ Tiền hiền bên cạnh dinh vạn thờ Ông Nam Hải mang tín ngưỡng thờ Thành hoàng bổn cảnh theo truyền thống văn hóa đình làng để tưởng nhớ người xưa có công mở đất lập làng. Những câu đối, hoành phi  bằng Hán Nôm được bài trí, phục dựng với nội dung phác họa phần nào lịch sử của vạn trải dài từ cuối thế kỷ XIX với bao biến cố thăng trầm.

Việc công nhận xếp hàng di tích vạn Tân Phú có ý nghĩa lịch sử văn hóa của vùng đất Tam Tam mang nét đặc trưng về tâm linh, tín ngưỡng của địa phương rất phong phú. Vạn Tân Phú nằm trên địa bàn đang sôi động du lịch, giữa cảnh quan biển mênh mang, với bóng dừa xanh mát, khách thập phương có dịp tìm lại “địa linh” của làng chài Tam Tân ngày xưa để cảm nhận những dấu tích một thời. 

PHAN CHÍNH