Tết thầy cô xưa và nay
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 11:31, 16/11/2017
Tết thầy ngày xưa
Ngày Tết Nguyên đán đối với dân tộc Việt Nam là ngày trọng đại nhất trong năm. Tết chỉ gói gọn trong 3 ngày, thì 3 ngày đó các bậc tiền nhân đã căn dặn và phân chia rạch ròi. “Mồng một tết cha”, tức là ngày tết đầu tiên, vợ chồng con cái, anh em ruột thịt đều phải tập trung về bên nội để chúc thọ ông bà, cha mẹ. “Mồng hai tết mẹ”, sang ngày tết thứ hai, vợ chồng con cái tiếp tục về chúc tết ông bà, cha mẹ bên ngoại. Sang mồng ba tết, ngày dành riêng để đi tết thầy giáo. Đây là nét văn hóa độc đáo của người Việt Nam, nó thể hiện lòng tôn sư trọng đạo, bởi người Việt có quan niệm “Không thầy đố mày làm nên”. Công lao sinh thành dưỡng dục là của cha mẹ, nhưng công lao dạy dỗ để mình biết chữ, mình thành người là của thầy giáo.
Và như vậy, hàng năm cứ đến ngày mồng ba tết, với lứa học trò nhỏ, học ở các trường làng, trường xã thì cha mẹ chủ động đưa con cái đến nhà thầy để chúc tết, mừng tuổi, tỏ lòng biết ơn công lao dạy dỗ của thầy. Lễ tết mang đến nhà thầy tùy thuộc vào gia cảnh của mỗi người. Nhà khá giả thì ang nếp, con gà, xấp vải…Gia đình khó khăn chỉ cần khay trầu rượu, vật chất chỉ là hình thức, cái chính là sự trọng thị, lòng cung kính biết ơn.
Và tết thầy ngày nay
Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167 - HĐBT thiết lập ngày 20/11 hàng năm là ngày lễ mang tên “Ngày nhà giáo Việt Nam”. Đây là quyết định mang dấu ấn lịch sử của ngành giáo dục nói riêng và của dân tộc nói chung nhằm tri ân công lao to lớn của thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người. Đối với phụ huynh và nhiều thế hệ học trò vẫn thân thương gọi ngày nhà giáo là ngày tết thầy cô. Những tình cảm nồng ấm, những bông hoa tươi thắm nhất được các em trân trọng dành cho thầy cô trong ngày 20/11. Với người làm công tác giảng dạy cũng thấy ấm lòng hơn khi nghề nghiệp của mình được cả dân tộc ghi nhận bằng một ngày lễ chính thức.
Cùng mang một ý nghĩa biết ơn thầy cô giáo, thể hiện lòng tôn sư trọng đạo, nhưng tết thầy ngày nay so với xưa vẫn có sự khác biệt nhất định. Cái khác nhau giữa xưa và nay là học trò ngày nay từ bậc mẫu giáo lên đại học được rất nhiều thầy cô giảng dạy. Mối quan hệ thầy trò và gia đình mang tính thực dụng, chạy theo thành tích từng môn học, niên học, nên hình ảnh người thầy ít để lại ấn tượng trong lòng học trò, sự tri ân cũng phần nào nhạt nhòa hơn. Rồi nỗi buồn “nghề nghiệp” đối với đội ngũ thầy cô giáo. Chuyện đồng lương ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống thường ngày, chừng mực nào đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự toàn tâm, toàn lực với nghề nghiệp. Ngoài giờ dạy, thầy cô phải bươn chải làm thêm đủ loại công việc để kiếm sống. Những hệ lụy từ dạy thêm, chính cũng bắt nguồn từ nguyên nhân này.
Thường thì đến ngày 20/11 nhà trường đứng ra tổ chức, học sinh mang hoa đến lớp chúc mừng. Sau về nhà, học trò lớp nhỏ được cha mẹ đưa đến thăm thầy cô tại nhà, học trò lớp lớn thì tự tụ họp rủ nhau đi. Thầy cô chủ nhiệm, những người dạy mấy môn chính như toán, lý, Anh văn… có lẽ là đối tượng được gia đình và các em quan tâm đến nhiều nhất.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa lòng tôn sư trọng đạo của dân ta đang càng ngày xuống cấp. Một điều đáng mừng, mấy năm gần đây, nhiều thế hệ học trò cũ, đặc biệt lớp học trò đã vào tuổi 50, 70… ở khắp mọi miền đất nước, cả ở nước ngoài, vẫn thường xuyên có những buổi tổ chức họp mặt, tri ân thầy cô cũ, những cô thầy thời tiểu học, trung học, những cô thầy bây giờ tuổi đã tám chín mươi. Việc làm đó xuất phát từ tấm lòng, từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
NGÔ VĂN TUẤN