Thơ Hàn Mặc Tử trên tháp Pô Sah Inư
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:12, 04/01/2018
Trăng (cùng với Hồn và Máu) là hình tượng nổi bật, xuất hiện dày đặc trong các sáng tác của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Khác với Trăng trong thơ Nguyễn Du thường gợi tình, gợi cảnh; hay đem lại cảm giác nhẹ nhàng của Xuân Diệu. Trăng của Hàn Mặc Tử thường là thế giới của sự dị thường, đầy bí ẩn, lúc được ẩn dụ, lúc lại nhân hóa, được giải bày chân thành nhưng lại rất hình tượng…tạo ra những phong cách khác lạ.
Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi.
(trích bài Bẽn lẽn)
Chính vì Trăng mang một biểu tượng đặc sắc đối với Hàn Mặc Tử mà sự kiện Đêm thơ nhạc Hàn Mặc Tử đã lấy “Ảo ảnh trăng” làm chủ đề chính. Chương trình có kết cấu 3 phần gồm Kịch thơ Đêm trăng hò hẹn dốc Ông Hoàng; phần 2 là diễn ngâm một số bài thơ của Hàn Mặc Tử như Tối tân hôn, Thời gian, Dấu tích, Người ngọc, Phan Thiết! Phan Thiết!... đã giúp khắc họa lại cuộc đời làm thơ đầy lãng mạn của thi sĩ quê gốc Quảng Bình cùng tình yêu với xứ biển Phan Thiết.
“Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ.
Ta nhìn trăng, khôn xiết ngặm ngùi trăng”.
(trích Phan Thiết! Phan Thiết!)
Kết thúc chương trình là chùm ca khúc giới thiệu về thành phố Phan Thiết, được nhiều ca sĩ, diễn viên Bình Thuận thể hiện như Tình ca trên phố biển, Lãng đãng thu về, Phố biển mùa xuân về, Sông đêm, Biển thức, Po Sah Inư huyền thoại…
Theo ông Trần Đức Dũng, Phó trưởng Ban Quản lý khu di tích tháp Po Sah Inư: Đêm thơ nhạc Hàn Mặc Tử không chỉ giúp họp mặt những người yêu thơ mà còn là hoạt động văn hóa văn nghệ thường niên, giúp quảng bá hình ảnh của di tích đến khách du lịch và để thế hệ trẻ hiểu được các giá trị nhân văn qua thơ Hàn Mạc Tử và cụm di tích độc đáo của kiến trúc Chăm này.
H.Đ