Thanh Pháp, giọng ca đẹp của Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 13:47, 19/01/2018
Thanh Pháp là ca sĩ chính của Đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm Bình Thuận - Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh. |
Thanh Pháp mê ca hát từ nhỏ, đặc biệt là những làn điệu dân ca Chăm dường như đã thấm đẫm trong anh từ cuộc sống thường ngày ở làng quê Châu Hanh, thuộc xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình. Nơi ấy là quê hương anh với khoảng trời tuổi thơ trong xanh, văn hóa dân gian Chăm đã nuôi lớn tâm hồn anh từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành. Qua giọng ca Thanh Pháp, nhiều ca khúc đã đi vào lòng người như: Thánh địa Mỹ Sơn, Về thăm tháp cổ, Hát vãi chài, Gửi nàng hoa Chăm Pa… Ngoài ca hát, Thanh Pháp còn tìm đến các nghệ nhân trống ghi-năng để học cách đánh trống và ghi chép lại những điệu tấu quen thuộc thường sử dụng trong các lễ hội của người Chăm.
Sau khi được tạo điều kiện hoàn thành lớp thanh nhạc 1 năm tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, Thanh Pháp tiếp tục học đại học chuyên ngành sư phạm âm nhạc cũng tại nhạc viện này. Nhờ vào giọng ca thiên phú mang bản sắc riêng, ca sĩ Thanh Pháp luôn được mời tham gia vào các chương trình nghệ thuật lớn của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7. Đặc biệt, Thanh Pháp vinh dự được Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam mời biểu diễn trong hai kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 và lần thứ 12. Qua mỗi chương trình biểu diễn, anh đã để lại nhiều cảm xúc đẹp trong lòng khán giả. Trong lần giao lưu với nhạc sĩ Đinh Trung Hà, Phó đoàn Nghệ thuật dân gian Chăm Bình Thuận, thuộc Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh, khi hỏi về ca sĩ Thanh Pháp, anh luôn đánh giá cao về tài năng cũng như đạo đức, lối sống của ca sĩ này: “Thanh Pháp là một giọng ca đặc biệt, mang màu sắc dân tộc Chăm rất hay, ca sĩ luôn cháy hết mình cho nghệ thuật. Ngoài dòng nhạc Chăm, nhạc quê hương, thì dòng nhạc bolero, trữ tình cũng là thế mạnh của ca sĩ này, chất giọng của Thanh Pháp có màu rất riêng như những danh ca Chế Linh, Giang Tử… một thời, rất cuốn hút người nghe”.
Không chỉ thành công trên sân khấu, Thanh Pháp còn bén duyên với nghiệp sáng tác. Từ năm 2008 đến nay, anh đã viết hơn 22 ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca Chăm như: Bắc Bình khúc hát tình quê, Về thăm tháp cổ, Xương rồng đất tháp, Ký ức Ka-tê... Ngoài các tác phẩm mang đậm sắc màu văn hóa Chăm, ca khúc của anh còn là cảm xúc với quê hương: hình ảnh sông Cà Ty, biển Cà Ná, Trường Dục Thanh... với giai điệu nhẹ nhàng, trữ tình đã được giới chuyên môn đánh giá cao. Và mới đây, ca khúc Giấc mơ Shiva, do Thanh Pháp sáng tác đã được Hội đồng nghệ thuật Giải thưởng Dục Thanh lần thứ V-2017 đề nghị trao giải B. Ca khúc này còn được trao giải B của Liên hiệp toàn quốc các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Ca sĩ Thanh Pháp (sinh năm 1985), ngoài 30 tuổi anh đã bước qua một cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Hiện tại, anh cùng con trai Thanh Kiến Quốc (7 tuổi) sống tại khu tập thể của nhà hát với diện tích khoảng 20m2. Nhìn cảnh Thanh Pháp ngày ngày chăm sóc cho con, chở con đến trường… sao cảm thấy chạnh lòng. Cuộc sống cứ thế trôi đi, anh lại tất bật cho công tác chuyên môn của nhà hát. Anh mong sao công việc được thuận lợi, có điều kiện nuôi con tốt hơn để con trai học giỏi, chăm ngoan, vơi đi phần nào thiệt thòi của một đứa trẻ rất cần sự yêu thương của một gia đình trọn vẹn.
Bài hát Thánh địa Mỹ Sơn
Quang Tuấn