Trần Thanh Hưng - người tìm chữ cho phim
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 14:03, 08/02/2018
Tôi rất xúc động với kịch bản phim “Thầy tôi, biên kịch Phạm Thùy Nhân” người quê Phan Rí, Bình Thuận là nhà biên kịch có trên 60 kịch bản phim truyện nhựa, video… nhiều phim nổi tiếng mà giải thưởng Cánh Diều Vàng đã dành cho ông. Trần Thanh Hưng bước đầu khởi nghiệp năm 1991 từ tấm bằng cử nhân Văn khoa với mong muốn được vào ngôi nhà Đài Truyền hình Phú Yên ở quê nhà, nhưng đã gặp bao khó khăn vì những yêu cầu đặt ra. Như một cơ duyên và phải mất một thời gian nữa, tác giả gặp được thầy Phạm Thùy Nhân, từ sự tận tình hướng dẫn, chia sẻ tài liệu, kinh nghiệm của thầy định hướng về lĩnh vực truyền hình và những kiến thức cần thiết của một tác phẩm bằng ngôn ngữ hình ảnh để rồi hoàn thành được một luận văn chuyên ngành điện ảnh và kỷ niệm đó anh mang theo suốt 25 năm làm nghề.
“Sau chiếc máy quay” là những khung trời vừa thân quen vừa lạ lẫm nhưng luôn đầy sự bất ngờ thú vị và dịu dàng từ cái nhìn đứng ở phía sau chiếc máy quay. Có lẽ, với tác giả đã nặng lòng với mảnh đất quê nhà Tuy An, Phú Yên nên những thước phim về dòng sông Ba, về ngọn núi Thạch Bi, về vũng Lắm-Sông Cầu… là những huyền tích kỳ ảo mộng mơ.
Mới đây, Trần Thanh Hưng có dịp cùng đoàn làm phim Sông Ba xa xăm (River Ba is distant) do Đài Truyền hình Seoul Hàn Quốc thực hiện đã cho anh nhiều ý tưởng. Theo anh, qua đó có khá nhiều câu chuyện lý thú về những người lính đánh thuê của quân đội Pak Chung Hy trên mảnh đất Phú Yên trong thời kỳ chống Mỹ đầy khốc liệt. Đây là bộ phim truyện với hình ảnh đọng lại ở cô gái mang hai dòng máu Hàn - Việt lớn lên trở thành một ca sĩ nổi tiếng rồi trở về Việt Nam tìm mẹ, mang cái kết nhằm khép lại quá khứ, hàn gắn vết thương chiến tranh gây bao nỗi đau khổ cho người dân miền Trung. Gởi gắm vào tập kịch bản bút ký này, tác giả coi cái nghề biên tập, đạo diễn truyền hình đã cho mình cái may mắn được tiếp xúc, lắng nghe nhiều điều mới lạ và quý giá.
PHAN CHÍNH