Ngày xuân, nghĩ việc ngâm thơ
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 14:01, 08/02/2018
Ảnh: Đ.Hòa |
Ký ức về việc ngâm vịnh ngày xưa có lẽ từ những bài thơ xưa mà mỗi người từng cắp sách đến trường đã học.
Cha ông ta ngày trước đã gắn bó rất sớm với văn chương. Bởi văn chương là một phần quan trọng không thể thiếu của việc học ngày xưa, từ Hán học, đến chữ Quốc ngữ. Thơ là một mảng trong việc học. Cùng với bình, thơ cũng được ngâm vịnh. Những bài thơ xưa, bên cạnh những chén trà, chung rượu, đã cùng những nhà nho xưa gắn bó mật thiết bởi những giọng ngâm khi hào sảng, khi bi hùng, lúc bổng, lúc trầm.
Những nhà thơ của những năm 1930 – 1945 vẫn thường ngâm vịnh những bài thơ hay cùng bằng hữu.
Những chú, cô của ngày trước vẫn thường nhắc về những bài thơ chúc tết của Bác Hồ thuở Bác sinh thời, lúc đất nước vẫn còn trong những ngày kháng chiến. Phút giao thừa, thời khắc thiêng liêng với mọi gia đình, mọi người chờ nghe thơ của Bác qua sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Đã có thời, những nam thanh nữ tú yêu thơ, thường chép những bài thơ mình yêu thích trong những tập vở. Đã có thời, những thanh niên lên đường đi kháng chiến, trong ba lô vẫn có những bài thơ mình đã từng tâm đắc, nâng niu.
Cùng với thời gian, cuộc sống đòi hỏi mọi người phải nỗ lực hằng ngày. Nhịp sống sôi động và nhiều lý do khác nữa, đã khiến thơ dần ít đến với công chúng hơn.
Ngày thơ Việt Nam, dịp rằm tháng giêng hằng năm, đã được Hội Nhà văn Việt Nam khởi xướng từ năm 2003, đã được Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương chấp thuận, nhằm đáp ứng nhu cầu giới thiệu, tôn vinh thơ Việt.
Những đêm thơ Nguyên tiêu đã được các địa phương tổ chức với nhiều hình thức, nội dung khác nhau. Trong phần lớn các chương trình thơ ấy, bài “Nguyên tiêu” của Bác Hồ vẫn là bài thơ chính được ngâm vịnh:
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.
Nguyên tiêu – Hồ Chí Minh
(Rằm tháng giêng – Xuân Thủy dịch)
Để thơ đến với bạn đọc, ngoài việc in trên giấy, đăng trên mạng, thơ cần được đọc lên, ngâm lên một cách chính xác, truyền cảm.
Rất nhiều bài thơ hay đã sống lâu trong lòng người nghe, trong rất nhiều năm: Tiếng thu (Lưu Trọng Lư), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), Ngậm ngùi (Huy Cận), Chiều (Xuân Diệu), Người hàng xóm (Nguyễn Bính), Ông đồ (Vũ Đình Liên), Hai sắc hoa ti-gôn (T.T.Kh)… (những bài thơ trước năm 1945) hay: Việt Bắc (Tố Hữu), Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (Phạm Tiến Duật), Quê hương (Giang Nam), Cuộc chia ly màu đỏ (Nguyễn Mỹ), Vườn xưa (Tế Hanh)…
Và đây nữa: Thuyền và biển (Xuân Quỳnh), Vàm Cỏ Đông (Hoài Vũ), Viếng lăng Bác (Viễn Phương), Mẹ và quả (Nguyễn Khoa Điềm), Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa (Nguyễn Duy), Tạm biệt (Thu Bồn), Thơ viết ở biển (Hữu Thỉnh)… Và biết bao bài thơ hay khác nữa sau này.
Trước đây, Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn thường dành ba mươi phút mỗi đêm, từ 22 giờ đến 22 giờ 30 cho chương trình Tiếng thơ. Những bài thơ hay, được các giọng ngâm của những nghệ sĩ ngâm thơ chuyên nghiệp như Linh Nhâm, Kim Cúc, Vũ Kim Dung, Trần Thị Tuyết, Châu Loan… chuyển tải ngọt ngào, sâu lắng.
Những bài thơ ấy, viết về quê hương đất nước, tình mẹ con, cha con, đến tình yêu, về những vấn đề khác nhau của cuộc sống, qua sóng phát thanh, với những giọng ngâm thơ điêu luyện, đã đi vào lòng những thế hệ người Việt, cao tuổi có, trẻ tuổi có. Những người yêu thơ ấy đã từng một thời tìm đợi, lắng nghe chương trình Tiếng thơ của Đài.
Ở miền Nam trước đây, các giọng ngâm Hoàng Thư, Hồ Điệp, Quách Đàm, Tô Kiều Ngân, Hoàng Oanh… cũng đã từng làm xao xuyến lòng người với những bài thơ: Hai sắc hoa ti-gôn, Đây thôn Vĩ Dạ, Màu tím hoa sim, Hoa trắng thôi cài trên áo tím…
Tiếp nối dòng chảy của những giọng ngâm ngày trước, các nghệ sĩ Thúy Mùi, Thúy Đạt, Hồng Năm, Xuân Hanh, Khắc Tư, Quốc Anh, Vương Hà, Hồng Liên, Trang Nhung, Vân Khánh… cũng đã từng chuyển tải những rung cảm của mình, những luyến láy ngọt ngào của mình vào những bài thơ hay gởi đến khán, thính giả yêu thơ qua những CD thơ phát hành rộng rãi.
Ở Bình Thuận, trong những năm qua, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Văn hóa Phan Thiết, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã phối hợp Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận, Ban Quản lý Tháp Pô Sah Inư, cùng một số đơn vị khác tổ chức nhiều đêm thơ – nhạc, trong đó có những đêm giới thiệu về thơ – nhạc của các nhà thơ, nhạc sĩ trong và ngoài tỉnh, những đêm giới thiệu về thơ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Các chi hội văn nghệ các địa phương trong tỉnh như Phan Thiết, Bắc Bình, La Gi, Đức Linh, Tánh Linh… đã từng tổ chức những đêm thơ. Một số nhà thơ trong tỉnh cũng đã từng tổ chức những đêm thơ – nhạc giới thiệu tác phẩm mới tại các không gian khác nhau.
Hiệu quả của việc ngâm thơ, chuyển tải những lời thơ, những nỗi niềm, những rung động của nhà thơ đối với những việc, những người, những cảnh quanh mình đến với công chúng rất rõ, chính nhờ nội dung bài thơ hay, nhờ kỹ thuật ngâm điêu luyện, truyền cảm, ngọt ngào, dễ đi vào lòng người, giúp công chúng dễ nhớ, dễ thuộc bài thơ.
Chọn thơ gởi đến công chúng qua sóng phát thanh, qua sóng truyền hình, qua sân khấu, qua các lễ hội, qua sinh hoạt, qua băng đĩa… thì bài thơ ấy phải là những bài thơ được chọn lọc, nội dung phải hay, thiết thực, gần gũi đối với công chúng, ngôn từ phải dễ hiểu, phải chắt lọc, phải đẹp.
Đi kèm với đó, để khán, thính giả rung động với lời thơ, thì thơ cần được chuyển tải bởi những giai điệu đẹp đẽ của những điệu ngâm thơ truyền thống: điệu ngâm thơ miền Bắc, điệu ngâm thơ Huế, điệu ngâm lục bát... Ngoài ra còn có thể đưa vào hát ru, hò Huế, ngâm sa mạc, lẫy Kiều… tùy theo từng đoạn, từng bài thơ.
Cái hồn của mỗi bài thơ, cái đẹp đẽ nhất của những bài thơ hay chỉ đọng lại trong lòng người nghe bởi sự chuyển tải một cách có nghệ thuật của người ngâm. Sự chuyển tải ấy cần đi từ sự thấu cảm sâu sắc của người ngâm đối với bài thơ, đối với tác giả, được bật lên thành những khuôn giai điệu đúng chuẩn mực, thành những ngôn từ thật rõ lời, thật dồi dào cảm xúc; với âm lượng đầy đủ, mới có thể đi vào lòng khán giả, thính giả, mới khiến người nghe rung động, mới khiến người nghe thổn thức, gần nhịp đập với trái tim nhà thơ.
Âm nhạc là một phần không thể thiếu để lời thơ dễ đi vào lòng người. Ngoài nhạc điệu của chính lời thơ, thì tiếng đàn bầu lắng đọng, tiếng réo rắt trầm bổng của sáo, tiếng thánh thót của đàn tranh, khi được hòa quyện ngọt ngào, hợp với giai điệu ngân nga của giọng ngâm đầy tình cảm, sẽ đem đến cho người nghe những rung cảm thật sự, khiến cho người nghe dễ nhớ mãi lời thơ.
Hy vọng rằng, với sự chuyển tải một cách có tình cảm, có nghệ thuật của người ngâm, với sự hòa quyện ngọt ngào của tiếng sáo, tiếng đàn bầu, đàn tranh, những bài thơ hay vẫn có vị trí nhất định trong lòng bạn yêu thơ giữa cuộc sống bộn bề hôm nay, khi thơ hay vẫn còn được dạy trong nhà trường, và khi thơ hay vẫn còn được bạn đọc tìm đến.
ThẾ ThuẬt