Khi Đoàn Vũ rút ruột viết cho con

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:47, 13/04/2018

BT - Bài thơ có nhan đề Cho đứa con khuyết tật. Và người viết những dòng thơ rút ruột thấu tận tâm can người đọc chính là Đoàn Vũ, người thơ của vùng đất Phan Rí nắng khan khan nắng, với “tháng giêng gió thổi mù như khói” (Huỳnh Hữu Võ).

Bài thơ là một câu chuyện thật như ngoài đời đã thế. Chỉ là một lời tâm sự thì thầm với con gái bé bỏng nhưng sao cứ như tiếng chuông rền rĩ trong lòng người đọc. Giọng kể nhẹ nhàng mà sao cứ tựa như có tảng đá đè nặng trong tim.

Có thể nói, Cho đứa con khuyết tật là một bài thơ buồn. Buồn lắm. Buồn cùng cực. Buồn dằng dặc. Buồn cả một đời. Vì mái ấm gia đình sẽ chỉ nở hoa hạnh phúc, lung linh sắc màu (như lời bài hát Ba ngọn nến lung linh) khi ngôi nhà ấy đầy ắp tiếng cười giòn tan của những đứa trẻ xinh xắn và ngoan ngoãn. Nhưng con gái của nhà thơ thì đã mãi mãi “không được bình thường”.

Với người mẹ. nỗi buồn có thể sẽ trỗi ra ngoài bằng tiếng khóc, qua nước mắt, qua tiếng thở than… Nhưng nỗi buồn của người cha làm thơ, thì lại thắm tràn trên những con chữ rướm máu, qua những nỗi đau sâu thẳm vực sâu.

Lỗi của ba mọi đàng con ơi!

    
  
   

   Cho đứa con khuyết    tật

   

   Hạnh phúc của ba khiếm khuyết một    phần ở phía tận cùng sâu thẳm của góc đời ba mà con chưa có lần    trông thấy! Ánh mắt ngây ngô thơ dại ngày ngày nỗi đau vượt qua thời    gian hình như vẫn phần chậm lại. Thời gian đã giúp ba đếm được biết    bao nhiêu đứa trẻ dịu hiền từng cánh áo như bướm đàn lung liệng rong    ruổi nô đùa dưới tán phượng lao xao. Mỗi khi bắt gặp những đứa trẻ    ngọt ngào ba nếm phải tựa bồ hòn nuốt chậm trôi tận cùng sâu thẳm    tâm linh.

   

    Đêm đêm ba nhìn con say giấc ngủ    yên bình. Đâu có thật bình yên bởi sóng đời phía trước. Nỗi bất hạnh    của con có phần do ba gây ra từ muôn ngàn kiếp trước nhân không lành    nên để quả lao đao?

   

    Chuyện hôm nay mới quay lại ngày    nào, kiếp phù sinh cứ tan tan hợp hợp. Kiếp phù sinh mấy ai mà biết    được?! Đêm nhìn con nước mắt cứ tuôn trào. Đêm nhìn con ba đã quay    lại ngày nào - ôi cái ngày… ba chưa hề nhớ được! Giận giận mình cứ    buông trôi như dòng nước cứ trút đời đâu thấy sóng ngoài biển khơi.

   

   Lắm lúc cười đấy là lúc chơi vơi    quặn thắt lòng với từng cơn bão nổi. Đêm nhìn con ba nghĩ mình có    tội quả không lành do nhân đấy thôi?!

   

    Đêm, đêm đâu ban phát cho ta sự    bình yên vô lượng bầu trời trên đầu ta không thấp khoảng cách của sự    trống vắng không cùng… và những giọt sương đêm đậu trên mái tóc mình    tự bao giờ không biết. Đêm một mình xa xót góc tâm linh.    

      Đoàn Vũ
  

Hàng đêm, nhà thơ luôn đau đáu câu hỏi: Nếu một mai cha mẹ xa đời, ai sẽ là người lo lắng, bảo bọc cho con khi trái gió trở trời, khi con lên cơn động kinh ngả nghiêng chao đảo, khi con già yếu… Hình như nỗi lo mai sau còn đau hơn nỗi đau hiện tại. Và anh lại tự trách mình: “Nỗi bất hạnh của con có một phần do ba gây ra từ muôn ngàn kiếp trước. Nhân không lành nên để quả lao đao”.

Lời thơ cứ thầm thì to nhỏ mà sao ta nghe như có nước mắt chực tuôn trào. Phật đã dạy: Gieo nhân nào gặt quả ấy. Đời có vay có trả. Nhưng tội lỗi ngày xa xưa anh đã gây ra làm sao anh  biết được, mà giờ đây phải nhận “quả” lao đao? Ai có thể nói dùm anh, muôn ngàn kiếp trước, anh đã phạm tội gì? Anh đã vay của tiền kiếp những gì mà đời này con gái bé bỏng của anh phải gánh chịu? Anh vẫn biết: “Chuyện hôm nay mới quay lại ngày nào. Kiếp phù sinh cứ tan tan hợp hợp. Kiếp phù sinh mấy ai mà biết được”. Thế nhưng, bão giông cứ cuộn vỡ lòng anh. Quặn thắt. Rã rời. Để rồi: “Đêm nhìn con nước mắt cứ tuôn trào. Đêm nhìn con ba quay lại ngày nào. Ôi cái ngày ba chưa hề nhớ được. Giận giận mình cứ buông xuôi như dòng nước, cứ trút đời đâu thấy sóng ngoài biển khơi”.

Sóng biển khơi cứ cuộn trào rồi tuôn vỡ theo nhịp luân hồi, theo kiếp phù sinh hợp hợp tan tan. Lòng anh cũng tan tác như lòng sóng trùng khơi. Đã ngàn ngàn đêm anh không yên giấc ngủ. Bởi con gái anh như chim cánh cụt giữa trần ai: “Lắm lúc cười đấy là lúc chơi vơi quặn thắt lòng từng cơn bão nổi. Đêm nhìn con ba nghĩ mình có tội. Quả không lành do nhân đấy thôi”.

Những từ: phù sinh, tan tan hợp hợp, chơi vơi, quặn thắt, bão nổi… thật dân dã nhưng thật gợi cảm xúc. Và ý niệm “gieo nhân gặt quả” đã đeo đẳng, bám riết anh suốt những tháng ngày lặn hụp trong bể đời hối lỗi.

Vì anh biết rằng: “Đêm đêm đâu ban phát cho ta sự bình yên vô lượng bầu trời trên đầu ta đâu thấp, khoảng cách của sự trống vắng khôn cùng” mà ta níu gọi trời xanh. Bởi khoảng cách địa lý đã quá xa vời mà khoảng cách tâm lý lại càng ảo mờ dịu vợi.

Biết thế nên nhà thơ nào dám trách trời trách đất như bao người khổ nạn, mà chỉ biết tự trách mình kiếp trước không tu nhân. Sức nặng của bài thơ đem lại cho người đọc chính là sự hối lỗi thâm sâu. Tựa như một chuỗi thở dài héo hắt khi bản thân nhà thơ, tuổi già đã sầm sập đến trên đầu: “…và những giọt sương đêm đậu trên mái tóc mình tự bao giờ không biết. Đêm một mình xa xót góc tâm linh”.

Cho đứa con khuyêt tật của Đoàn Vũ là một bài thơ có giọng điệu trầm tĩnh, miên man buồn, đượm mùi vị thiền…

Bài thơ hay, thành công về ý lẫn lời bởi nhà thơ là nhân vật chính trong bài thơ. Anh đã viết bằng tâm thế của người trong cuộc, bằng nỗi đau của chính trái tim mình và từ cuộc đời bất hạnh của con gái mình…

 Nguyễn Thị Liên Tâm