Yêu sao bản Bắc, bản Nam…

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:17, 20/04/2018

BT- Đã hơn đôi lần ghé đến điểm diễn Đờn ca tài tử (ĐCTT) tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Phan Thiết vào các buổi tối, tôi thật sự ái ngại về lượng người xem thưa thớt, trong khi đó trên sân khấu là những màn ca diễn cùng những ngón đàn rất hay, rất điêu luyện của những nghệ nhân. Tiếng hát, tiếng đàn như lọt thỏm giữa khoảng trời đêm mênh mông.
                       
Đêm diễn Đờn ca tài tử tại Quảng trường    Nguyễn Tất Thành - Phan Thiết. Ảnh: Ngọc Lân

Bằng chất giọng ngọt lịm, một giọng ca nữ đang ca một bản Bắc rất là tình trên sân khấu, tôi hỏi nhỏ một khán giả lớn tuổi đang theo dõi chương trình, ông cho biết ông là một ngư dân ở Bình Hưng rất mê ĐCTT. Mỗi khi có biểu diễn ĐCTT ở quảng trường hay bờ kè, ông đều đến xem. Nhìn đi nhìn lại đêm diễn đếm cũng hơn vài chục khán giả, có lẽ đó là những người thật sự đam mê bộ môn nghệ thuật này.

Mang những ưu tư đi hỏi Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Nguyễn Tú Long, anh cho biết: Thực hiện đề án “Bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật ĐCTT Nam bộ giai đoạn 2015 - 2020” của tỉnh, Trung tâm Văn hóa tổ chức biểu diễn ĐCTT vào tối thứ tư và tối chủ nhật hàng tuần, chi phí cho mỗi đêm diễn là 2 triệu đồng. Tuy nhiên qua theo dõi thấy lượng khán giả đến xem ít quá nên sắp đến chắc sẽ phục vụ mỗi tháng một đêm diễn. Về lâu dài sẽ đưa chương trình ĐCTT vào các trường phổ thông, cao đẳng, đại học, vừa dạy, vừa biểu diễn nhằm giúp cho thế hệ trẻ hiểu và yêu bộ môn nghệ thuật dân tộc này.

Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thật sự đã có nhiều khởi sắc và chuyển biến tốt. Việc xây dựng chương trình đưa ĐCTT vào trường học nhằm giúp các em học sinh có cái nhìn toàn diện, cảm nhận được cái đẹp, cái hay, tính độc đáo, tính nhân văn của nghệ thuật ĐCTT là điều phải làm. Song, cũng có nhiều vấn đề được đặt ra như: nội dung của chương trình như thế nào là phù hợp với lứa tuổi học sinh, để có thể giúp các em biết được những kiến thức căn bản nhất về nghệ thuật ĐCTT. Thời lượng, kết cấu chương trình như thế nào là vừa, bao lâu tổ chức một lần, có ảnh hưởng đến chương trình học chính khóa của các em hay không, rồi hình thức thể hiện như thế nào để các em có sự yêu thích, làm sao truyền tải được những nội dung cần thiết về ĐCTT… Đó là những vấn đề cần phải xem xét. Trong khi hiện nay có nhiều phương tiện vui chơi, nhiều loại hình giải trí hiện đại để bạn trẻ lựa chọn thì việc hướng các em đến những giá trị nghệ thuật truyền thống, âm nhạc dân tộc có thể nói là không đơn giản chút nào. Do vậy, cần phải tính đến một hành trình dài, căn cơ và hiệu quả.

Nói về ĐCTT, ông Đặng Ngọc Long - Chủ nhiệm câu lạc bộ ĐCTT Bình Thuận rất tâm huyết, theo ông, ĐCTT có sức hấp dẫn và lan tỏa nhờ sự mộc mạc, gần gũi, dân dã mà không kém phần tinh tế với không gian gắn bó mật thiết với thiên nhiên, sinh hoạt đời thường. Bất cứ nơi nào, hoàn cảnh nào cũng có thể có sự xuất hiện của âm nhạc tài tử. Hiện nay, có những nhóm hoạt động thường xuyên như nhóm cô Hồng Huệ, nhóm Ánh Sao cổ nhạc, nhóm Thanh Vinh, nhóm ĐCTT lão thành Phan Thiết… Theo ông, để ĐCTT có khán giả của nó thì cần thường xuyên tổ chức hội thi về bộ môn nghệ thuật này và phải có nơi biểu diễn ổn định. Hiện nay vào các tối thứ sáu hàng tuần, điểm diễn ĐCTT ở cuối Bờ kè Bình Hưng - Phan Thiết thu hút khá đông người đến thưởng thức. Chương trình ĐCTT của Bình Thuận tham dự hội thi ở các tỉnh khác luôn đạt được thành tích cao và được giới chuyên môn đánh giá tốt về chất lượng nghệ thuật.

 Đờn ca tài tử là một bộ phận của âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam. Vì thế, việc bảo tồn, kế thừa và phát triển là một việc làm rất cần thiết.

Quang Tuấn