Làng biển Tân Long ngày ấy!
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:23, 18/05/2018
Vạn Tân Long. |
Địa thế làng Tân Long nằm ngay cửa biển La Gi đối mặt với bên kia sông là làng Phước Lộc, khá thuận lợi cho nghề biển, trên bến dưới thuyền. Một điều dễ hiểu là tại sao một làng biển có sớm nhất ở La Gi mà so với làng Phước Lộc về phát triển vẫn coi là chậm vì bị ngăn cách bởi dòng sông. Khoảng năm 1965, có một cây cầu gỗ được đặt tên cầu Long Hội, gắn 2 địa danh ấp Tân Long và xã châu thành Phước Hội nhưng chỉ được một năm thì bị lũ cuốn trôi. Theo cái nhìn phong thủy ngày xưa, đất Tân Long với hình dáng con rồng mà cái đuôi là Động Bà Sang và phần đầu ở ngọn đồi cao, nơi có dinh vạn ngày nay, cách xa nhau khoảng 300 m. Cuối làng Tân Long là một doi đất tạo thành bờ tả ngạn cửa biển La Gi lúc ấy vươn dài đến ngang địa đầu khu vực Hồ Tôm. Do đặc điểm doi đất tuy dài nhưng theo mùa có lúc bề rộng chỉ vài mươi mét, năm 1991 ông Đặng Ra huy động ngư dân phá bờ thông cửa để rút ngắn cho thuyền ra vào cửa biển nhưng bất thành. Bởi mùa bấc cát bồi, mùa mưa nước nguồn thành lũ làm xê dịch cửa biển thất thường.
Được may mắn gặp cụ Nguyễn Văn Rựa (Tư Rựa) năm nay 87 tuổi nhưng còn minh mẫn, sức khỏe so người cùng tuổi khó bì, cụ còn nhớ khá nhiều về những ngày thơ trẻ ở trên mảnh đất Tân Long từ thời người cha của cụ là Nguyễn Cương (Trùm Cương) ngoài Quảng vào đây sinh sống. Tính đến nay, con trai cụ Tư Rựa là Nguyễn Văn Khâu (Trưởng ban trị sự Vạn Tân Long) là đời thứ 5, cũng phải hơn trăm năm dòng họ Nguyễn có mặt ở đây. Hồi ấy chỉ khoảng 50 nóc nhà nằm bao quanh chân động cát luôn được phủ kín cây xanh và nối với bãi đầm lầy, lau lách hoang sơ. Dù là một làng biển sống nghề thuyền đáy mê, thúng chai, lưới nhợ thô sơ lại có nguồn hải sản khá dày gần bờ nhưng sản phẩm của mỗi chuyến biển đều đưa vào bên kia bờ La Gi để bán, làm mắm, xẻ khô, bởi Tân Long vẫn là một ốc đảo cách trở đò sông… Cư dân ngày ấy nặng tư tưởng đất lề quê thói, khi đến tuổi dựng vợ gả chồng đều chọn người làng khác, vì gốc gác bản làng Tân Long không cùng tộc họ thì cũng quê nhà coi nhau như ruột thịt. Trước 1975, Tân Long là một trong 3 thôn thuộc xã Bình Tân có 2.277 người, nay là địa bàn các khu phố 8, 9, 10, 11 thuộc phường Bình Tân (La Gi). Tình trạng phát triển dân số tăng nhanh, nhà cửa san sát chật chội, những con đường không thể đặt tên len lỏi, ngoằn ngoèo, chỉ rộng đủ cho xe gắn máy. Từ đây qua khu chợ La Gi phải vòng lên cầu Tân Lý hơn 2 cây số, nhưng vì đã sống gắn bó với nghề biển bao đời thì khó mà thay đổi khác hơn.
Một góc làng biển Tân Long. |
Tuy vậy, quá trình phát triển dân cư ở Tân Long tăng nhanh, nhưng không có tác động lớn đến đời sống để làm mất đi bản sắc rất riêng của ngư dân vùng biển miền Trung. Phong tục, tập quán của quê cha đất tổ vẫn thấm đậm từ nếp nhà, giọng nói, kiêng cử đến thói quen chân chất của con người luôn đối mặt với “đầu sóng ngọn gió”. Nét văn hóa ở làng Tân Long xưa đã lưu giữ và phát huy đến nay được khôi phục, tôn tạo qua cơ sở dinh vạn, đền thờ trên đỉnh cao ngọn đồi thần thoại là dinh vạn thờ Ông Nam Hải giống như nhiều dinh vạn làng biển trong vùng. Nhưng bên cạnh chánh điện, nhà võ ca, lăng tẩm ngọc cốt với câu đối, hoành phi sơn son thếp vàng, còn có nhà thờ Tiền hiền Hậu hiền với bảng đề danh những bậc tiền bối có công lập làng, mở đất… Miếu thờ Cô Bác ngoài bãi biển, hướng ra Hòn Bà là nơi ngư dân trước giờ nhổ neo rời bến đều thắp nén nhang van vái những vong linh xấu số nay cũng được bà con đưa về thờ bên dinh vạn. Ngày lệ hàng năm cúng Ông Nam Hải, lễ hội cầu ngư, lễ hội Hòn Bà trở thành ngày hội làng Tân Long ấm áp, đã làm nên một bản sắc văn hóa đặc trưng mang giá trị thiêng liêng, biểu lộ tấm lòng đối với tổ tiên, thấm đậm trong tiềm thức người dân ở đây.
PHAN CHÍNH