Tà Dôn, gợi nhiều dấu hỏi...

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:50, 10/05/2018

BT- Nếu đề cử một địa danh Bình Thuận khiến nhiều người... “đau đầu” nhất, chắc không thể bỏ qua núi Tà Dôn. Điểm nhanh qua, có thể liệt kê vài cách viết như: Tà Dôn, Tà Zôn, Tà Dzôn, Tà Đôn, Tà Zon… Nhiều ý kiến đồng tình rằng đây không phải là tên thuần Việt, mà được Việt hóa qua quá trình giao lưu, tiếp biến giữa các tộc người trên vùng đất này. Song chính xác Tà Dôn có nghĩa gì, thì đến nay chưa có lời giải thỏa đáng. Không rõ từ đâu, giới hướng dẫn viên du lịch “truyền kể” về một chuyện tình ngăn cách trái ngang giữa đôi trai gái người dân tộc là chàng Tà Dôn và nàng Sa Ra - theo motif na ná sự tích Lang Biang, hay hao hao giống kịch Romeo và Juliet - rồi dựa đó mà giải thích địa danh Tà Dôn - Sa Ra ở Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc (HTB) ngày nay. Đó cũng là một giả thuyết thú vị.
                
Núi Tà Dôn

Tìm hiểu về các sơn danh, không thể bỏ qua các công trình chính thống liên quan đến lịch sử - địa lý dưới triều Nguyễn. Nghiên cứu 3 nguồn tư liệu ra đời vào đầu, giữa, cuối thế kỷ XIX là: “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” (HVNTDĐC) do Thượng thư Bộ Binh Lê Quang Định soạn đầu thời Gia Long; “Đại Nam nhất thống chí” (ĐNNTC) do Quốc sử quán (QSQ) soạn dưới thời Tự Đức; và “Đồng Khánh địa dư chí” cũng do QSQ soạn, thấy các tài liệu đều nhắc đến một địa danh, mà ngày nay hầu như không thấy đề cập trong các tài liệu địa chí Bình Thuận - đó là núi Long Thịnh.

Là “nguồn ra” của một nhánh từ phía Bắc hợp lại thành sông Phố Hài, núi Long Thịnh (Long Thịnh sơn = 隆盛山) “ở thôn Long Thịnh về phía Tây Bắc huyện, có tên nữa là núi Tà Bôn, nổi vọt ở giữa bãi biển rất cao dốc, thuyền đi biển trông đấy làm chừng”. Đối chiếu đoạn này trong ĐNNTC do Viện Sử học dịch (NXB Thuận Hóa, 2006, tr.157), thấy khác đôi chút so với bản dịch HVNTDĐC của Phan Đăng (NXB Thuận Hóa, 2005, tr.283) - khi dịch núi này “tục gọi là núi Tà Bông”. Từ đây gợi ra vấn đề: Hoặc núi này không gọi là Tà Dôn, mà là Tà Bôn/ Tà Bông. Hoặc đúng là Tà Dôn, song vì âm Dôn không có chữ riêng, phải mượn một chữ Hán - Nôm khác để ghi, nên khi dịch, do không nắm hết tên núi sông từng địa phương, các dịch giả đã không đưa về chính xác âm vốn có. Hoặc cũng có thể do sai lạc trong quá trình ghi chép, nên bị “tam sao thất bản”.

                
   Núi Long Thịnh trên một góc bản đồ Bình    Thuận cuối thế kỷ XIX.

Chắc chắn một điều rằng mỹ danh của núi Tà Dôn xưa là núi Long Thịnh (Thạnh), tạm dịch là hưng thịnh, phồn vinh. Theo “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Bình Thuận” (Nguyễn Đình Đầu, NXB TP.HCM, 1996), thôn Long Thịnh thuộc tổng Hoa An, huyện Tuy Định (sau đổi là tổng Lại An, huyện Tuy Lý), phủ Hàm Thuận. Thôn này giáp rừng hoang phía Đông, giáp xã Toàn Hòa, Vĩnh Hòa và thôn Long An về phía Tây, Nam và Bắc, toàn diện tích 80 mẫu 9 sào 9 tấc - tức gần 40 ha. Tưởng như địa danh này đã thuộc về quá khứ, song chúng vẫn tồn tại lặng lẽ trong một tên gọi khác - Ga Long Thạnh. Ga nhỏ này thuộc tuyến đường sắt Bắc Nam, đã có từ đầu thế kỷ XX trên bản đồ thời Pháp thuộc. Ga hiện ở xã Hồng Sơn (HTB), cách không xa núi Tà Dôn. Có lẽ xưa, ga cũng trên đất thôn Long Thịnh, nên người Pháp lấy đó gọi tên ga.

Từ trung tâm TP. Phan Thiết, theo quốc lộ 1A ngược ra Bắc chừng 20 km đến xã Hàm Đức (HTB), không khó để nhận ra núi Tà Dôn đứng sừng sững. Núi thấp này cao 386 m, thảm thực vật thường dày hơn vào mùa mưa. Đây cũng là mỏ đá granite có tiếng. Song, mỗi khi qua Tà Dôn, nhìn những hố, vực sâu khai thác đá “gặm nhấm” loang lổ, nhiều người không khỏi xót xa.

Theo dòng lịch sử, núi Tà Dôn, rộng hơn là khu vực xung quanh núi, ghi dấu nhiều sự kiện. Từ kết quả khai quật mới nhất (2016) ở di tích khảo cổ học Động Bà Hòe gần đó, có thể hình dung ra sự tồn tại của một cộng đồng cư dân cổ trong giai đoạn Đá mới - Kim khí (3.500 - 2.500 năm cách ngày nay) qua tính chất cư trú - sản xuất - mộ địa của di tích, trước khi văn hóa Sa Huỳnh lan tỏa đến.

 Năm 1873, thời cuộc nhiễu nhương, chí sĩ yêu nước Nguyễn Thông (1827-1884) khi cáo quan cũng chọn đất làng Vĩnh Hòa phía Nam chân núi Tà Dôn làm nơi định cư, dựng nhà gỗ, gọi là Trại Núi, sau dời nhà về làng Thành Đức, Phan Thiết làm từ đường họ Nguyễn, nay thuộc di tích Dục Thanh.

Trước 1975, Tà Dôn là một cao điểm quân sự chiến lược quan trọng phía Đông Bắc Phan Thiết của quân đội Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn, nhắm về chiến khu Lê. Thật ngạc nhiên khi biết rằng binh lính Mỹ gọi núi Tà Dôn bằng cái tên Tây là “Whiskey Mountain”. Ngoài việc để dễ phát âm, vì sao người Mỹ dùng tên một loại rượu nổi tiếng để gọi núi? Có lẽ cần tìm gặp những cựu binh năm xưa mới hỏi rõ được.  

Cuối thập niên 90, sau khi lắp đặt, đưa vào sử dụng tháp ăngten viba Phan Thiết, Bưu điện Bình Thuận đã cho thi công trên núi Tà Dôn trạm ăngten viba chuyển tiếp cho các huyện phía Bắc tỉnh và đảo Phú Quý. Việc xây dựng thời điểm ấy hết sức khó khăn. Vốn là khu đồn bốt, nên phải tiến hành rà phá mìn cả đường lên núi lẫn bãi xây dựng.

Trong sự kiện nhật thực toàn phần 24/10/1995, Tà Dôn là một trong những vị trí quan sát lý tưởng nhất, thu hút đông đảo những người quan tâm trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng hiện tượng “hiếm thấy trong đời” này. Từ đây, chặng đường phát triển mới mở ra cho du lịch tỉnh nhà.

Có một câu ca vui rằng: “Ai đưa ta đến chốn này/ Bên kia Tà Cú, bên này Tà Dôn/ Chính giữa có núi Ba Hòn…”. Nhiều người từng nói về “Tứ Tà” hay “Ngũ Tà” ở Bình Thuận với nhiều “đồn đoán” ly kỳ, nhưng ngoài Tà Cú và Tà Dôn, thì việc tranh luận các “Tà” còn lại dường như chưa ngã ngũ. Nhân tìm hiểu chuyện xưa, chuyện nay của ngọn núi Tà Dôn, lại thấy gợi thêm rất nhiều câu hỏi, mà nếu giải đáp được, hẳn sẽ thêm nhiều thú vị.

PHÚC THỊNH