Nghĩ về một không gian văn hóa Chăm Bình Thuận tại Bảo tàng Đà Nẵng

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 10:53, 02/07/2018

BT - Với tuổi đời trăm năm, Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại số 2 đường 2-9, TP. Đà Nẵng vừa là một công trình kiến trúc - di sản độc đáo, vừa là nơi lưu giữ và trưng bày các bộ sưu tập quý hiếm bậc nhất về nghệ thuật điêu khắc Champa, trong đó có cả những bảo vật quốc gia. Đến bảo tàng, du khách có dịp chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm điêu khắc trên cả ba chất liệu chính là sa thạch, đất nung và đồng, thuộc nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau, hình thành trong suốt chiều dài lịch sử phát triển rực rỡ của vương quốc Champa, thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người Chăm xưa.  Với sức hút đó, năm 2017, bảo tàng đón khoảng 297.000 lượt khách, với 90% là khách quốc tế.

Từ những năm cuối thế kỷ XIX, những người Pháp yêu khảo cổ, đặc biệt là các nhà nghiên cứu của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã cùng các đồng nghiệp người Việt tiến hành thu thập các tác phẩm điêu khắc Chăm ở khắp dải đất miền Trung. Dựa vào địa điểm phát hiện, khai quật các hiện vật, Bảo tàng Điêu khắc Chăm được sắp xếp thành các phòng trưng bày chính như Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm,…

Ngoài các phòng trên, tháng 7/2017, bảo tàng mở cửa thêm 2 phòng trưng bày mới, trong đó có phòng Văn hóa Chăm đương đại - Cộng đồng người Chăm tại tỉnh Ninh Thuận. Tại đây giới thiệu về đời sống, lễ hội, trang phục, nhạc cụ,… của người Chăm ở Ninh Thuận, về làng gốm Bàu Trúc, làng dệt Mỹ Nghiệp. Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ bảo tàng cho biết: “Phòng trưng bày này hiện vẫn đang trong quá trình sưu tầm, bổ sung thêm hiện vật. Trong thời gian đến, bảo tàng sẽ bổ sung thêm thông tin và hiện vật, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của khách tham quan”.

         

Được biết, trước đó vào năm 2013, nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận cũng đã phối hợp với Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tổ chức trưng bày chuyên đề văn hóa Chăm Ninh Thuận với khoảng 200 hiện vật, cùng gần 50 tác phẩm hội họa, điêu khắc của tác giả Đàng Năng Thọ nhằm giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước nét văn hóa đặc sắc của người Chăm tại địa phương.

Tham quan phòng trưng bày về người Chăm ở Ninh Thuận nói riêng và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng nói chung, chúng tôi đã có ý kiếm tìm và không khỏi… tiếc nuối khi nhận ra sự thiếu vắng những thông tin, hiện vật, hình ảnh, tư liệu về người Chăm ở Bình Thuận, cùng những di sản văn hóa vật thể lẫn phi vật thể đặc sắc, phong phú của cộng đồng này. Với khoảng 41.000 người, Bình Thuận hiện là một trong số những địa phương trên cả nước có đông đảo đồng bào Chăm sinh sống. Là một dân tộc bản địa sinh sống lâu đời trên mảnh đất này, người Chăm ở Bình Thuận có những nét khác biệt nhất định so với người Chăm ở các địa phương khác, mà không đâu xa, ngay cả giữa hai địa phương “hàng xóm” là Ninh Thuận và Bình Thuận cũng đã có sự khác nhau - như Tiến sĩ Yasuko, một người Nhật “mê” văn hóa Chăm, từng nhận định.

Hiện nay, đơn vị chính có chức năng, nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Chăm trên địa bàn tỉnh là Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận ở huyện Bắc Bình. Trung tâm được thành lập theo Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 14/5/2010 của UBND tỉnh, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trưng bày hơn 500 hiện vật, hình ảnh, với điểm nhấn quan trọng là bộ sưu tập ấn kiếm, vương miện, trang phục, đồ dùng,… của hoàng tộc Chăm, được chính hậu duệ của các vua Chăm gìn giữ cẩn thận qua gần 4 thế kỷ. Ngoài ra, tại Bảo tàng Bình Thuận (số 4 đường Bà Triệu, TP. Phan Thiết) cũng có trưng bày chuyên đề “Văn hóa Chăm” bên cạnh 6 chuyên đề khác.

Thiết nghĩ, từ kinh nghiệm thực tiễn nói trên, các cơ quan chức năng trong tỉnh như Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận hay Bảo tàng Bình Thuận cần tăng cường thêm các hoạt động giao lưu nghiệp vụ, phối hợp thực hiện, tổ chức các trưng bày, chuyên đề, triển lãm, trao đổi hiện vật (phiên bản hoặc nguyên bản) cùng các thông tin, kết quả nghiên cứu đi kèm… với các bảo tàng tỉnh bạn để giới thiệu sâu rộng hơn nữa bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm trong tỉnh, mà Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là một đề nghị đầu tiên.

Nếu có một không gian trưng bày về văn hóa Chăm, về cộng đồng người Chăm ở Bình Thuận tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, hẳn đây sẽ là một kênh hữu hiệu quảng bá hình ảnh đất và người Bình Thuận, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu, góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà.

Phúc Thịnh