Kinh doanh hát với nhau: Liên tục bù lỗ
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:33, 12/12/2018
Nhạc quán Blue Sea cũng là một sân chơi được khách hàng lựa chọn vì chất lượng. |
Liên tục bù lỗ
Một thực trạng hiện nay, nhiều nhạc quán duy trì hoạt động, vì có khách ổn định, vì đam mê, vì cũng nhận thấy được không khí “vui vẻ” ở những đêm nhạc. Đó là sự cộng hưởng của những tâm hồn. Thẳng thắn mà nói, hiện tại các quán vào những đêm ca nhạc có phụ thu, mức tối đa 15.000 đồng/ly nước. Nhưng lượng khách chỉ vài chục khách số tiền phụ thu dùng để chi trả cho nhạc công, MC… Đáng nói nữa là ở các sân chơi hát với nhau, phần lớn khách đến giao lưu không thuộc lời, nên quán bao giờ cũng hỗ trợ thêm màn hình, và luôn phải có người túc trực kéo lời cho khách hát.
“Ai nói kinh doanh loại hình này lãi chắc phải xem lại. Mình làm vì muốn có sân chơi đàng hoàng. Nhưng, có làm mới biết nỗi khổ của người trong cuộc. Bù lỗ là thường xuyên, mệt mỏi nhất là nhiều đêm lượng khách đến đông, nếu không khéo sắp xếp cũng có vài người méc vốn. Trong khi đó, mình cùng ê kíp đã cố gắng chỉnh chu về âm thanh, ánh sáng, đón tiếp tử tế” - chủ nhạc quán chia sẻ. Làm một phép tính đơn giản, 2 nhạc công guitar chơi liên tục 2 tiếng đồng hồ, với giá 200.000 đồng/người. Một MC được 120.000 đồng/đêm, bấm lời rẻ nhất cũng 50.000 đồng/ đêm, chưa tính những khoản khác như chỉnh âm thanh, điện nước, nhân viên. Nhiều quán kham không nổi với lượng khách, đã âm thầm mở, âm thầm đóng cửa.
Tại Phan Thiết vừa mới khai trương một sân chơi hoành tráng, dưới dạng phòng trà nhưng cũng không ngoại lệ. Chủ nhân chấp nhận bù lỗ để mời những ca sĩ của Phan Thiết về cộng tác, hạn chế khách giao lưu, có đêm họ mời cả ban nhạc nước ngoài biểu diễn nhưng vẫn không đủ sức hút và liên tục “bù lỗ”. Giá trung bình ở các nhạc quán phụ thu cao nhất cũng chỉ 15.000 đồng, có quán 20.000 đồng hoặc có quán giá nước “chết” 50.000 đồng/ly như Mila, Nhạc Xưa… Những tưởng sẽ khá hơn, nhưng có đêm chỉ lưa thưa vài khách.
Đáng mừng là ở các tụ điểm, những chủ quán là những người đam mê âm nhạc, đam mê loại hình văn hóa nhẹ nhàng nên mong muốn tạo ra sân chơi nghệ thuật, tao nhã, nâng cao giá trị tinh thần cho những người có cùng đam mê, nhưng đó lại là một câu chuyện khác…
Thưa dần vì giống nhau
Rõ ràng, những người kinh doanh mô hình này đang mạo hiểm, nhưng họ chấp nhận để tạo ra môi trường giải trí lành mạnh. Điều đó đáng trân trọng, nhưng một thực trạng rõ nét nhất là lượng khách yêu thích mô hình này chưa nhiều đến mức bùng phát. Lượng quán mở ra nhiều, dày đặc và xuyên suốt trong tuần. Khách cũng chỉ dừng lại ở vài nhóm người quen thuộc, trong không gian na ná nhau. Họ đến đăng ký hát và phải hát cho bằng được, rất hiếm người đến để thưởng thức. “Nhiều khi muốn đến tụ điểm thưởng thức đúng nghĩa, rất khó. Nhiều quán không kiểm soát được tiếng ồn, người hát cứ hát, khách cứ nói chuyện rôm rả. Nhân viên nhắc, họ tự ái, đôi khi phản ứng. Nhiều khách đến nghe nhạc, nhưng mỗi người mỗi cái điện thoại, chăm bẫm vào đó, vô cùng phản cảm” – Anh H. Đ, một khách đi nghe nhạc phản ánh.
Thực tế, nhiều mô hình mở ra, nhiều nhạc quán mở ra nhưng lại na ná nhau, không chắt lọc, không có điểm nhấn tạo thu hút nên khách hàng thích thưởng thức dần chán. Đó là lý do ngày càng thiếu vắng khách đi thưởng thức, mà khách phần lớn để được hát. “Đó là chưa kể nhiều sự cố xảy ra tại quán... cũng chỉ vì hát. Khách đến đăng ký, MC sẽ là người sắp xếp. Nhưng không ít lần, vì phải xoay vòng cho mọi người cùng giao lưu mà MC ở nhiều quán bị khách nặng nhẹ” – một MC cho biết.
Văn hóa giải trí của người dân địa phương gần như bị mai một dần, theo xu hướng hiện nay. Họ đến uống nước và mang theo những cái tôi của “thượng đế” trong môi trường văn hóa nghệ thuật. Rất ít khách đến “chịu khó” ngồi nghe và giao lưu với nhau.
Quang Nhân