Suối Nhum xưa và nay
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 14:12, 23/11/2018
Từ bắp sang cơm
BT- Tôi hỏi ông Lê Du, một cựu Chủ tịch UBND xã: “Dân Suối Nhum ăn cơm thay bắp từ khi nào?”, “Khoảng chục năm nay, đầu những năm 2000 vẫn còn ăn bắp, ăn đỗ là chính”… Ông Du vừa cười vừa trả lời, đoạn nói thêm: “Không thể tưởng tượng nổi Suối Nhum có ngày hôm nay”…
Cuộc trò chuyện làm tôi chợt nhớ lại những năm cơ khổ ở đây. 8 đội trên toàn điểm Suối Nhum, trừ đội 6, đội 7 là dân làng cũ ra, còn lại mỗi đội đều có một cối giã bắp, loại cối đạp chân. (Chày được gắn vào đầu thanh gỗ dài để hai, ba người đứng lên đó mà đạp, dưới cối phải có một người ngồi túc trực để đảo bắp và múc ra, thêm vào). Suốt ngày suốt đêm, người này chờ người kia giã xong là tới phiên mình, những người đứng trên chày, đa phần là thanh niên, có khi giã dùm luôn cho cả hai ba gia đình. Nơi đặt cái cối giã này vô tình mà thành nơi gặp gỡ, hẹn hò của thanh niên nam nữ trong làng, rất nhiều cuộc tình nảy sinh từ nơi cối chày giã bắp này. Bắp được chế biến thành rất nhiều món: bắp hầm, bắp chà vôi, bắp hầm với đỗ, bánh bắp, chè bắp, chả bắp, bắp luộc, bắp nướng, bắp rang, bắp ngào đường…
Vì lương thực chính là bắp, đỗ nên diện tích canh tác của địa phương chủ yếu là bắp, đỗ. Người dân Suối Nhum rất cần cù, siêng năng, vào mùa rẫy, người lớn có chiếc gùi lớn, trẻ con có chiếc gùi nhỏ, tất cả đều lên rẫy. Những chiếc gùi và cái dáng lom khom của người dân ở đây là hình ảnh thân thương đã gắn bó sâu đậm trong ký ức của tôi.
Vào những năm 80, tuy bắp đỗ đủ ăn nhưng thiếu thốn rất nhiều thứ, ngoài đồng tiền của những gia đình có con em đi lặn sò ở các nơi mang về, người dân ở tại chỗ gần như không có tiền. Trạm xá cũng có, y tá cũng có (ông Long và cô Hoa) nhưng chủ yếu là đỡ đẻ và giải quyết những bệnh nhẹ. Tôi còn nhớ những đêm có người đau nặng, người nhà đặt bệnh nhân lên võng, chiếc võng được cột ngang qua một cây đòn dài, bốn năm người thay nhau khiên chạy theo đường bãi biển dài mấy chục cây số để lên Phan Thiết. Trong võng người bệnh rên la vì đau, ngất lên ngất xuống vì đau. Người khiêng thở không ra hơi nhưng hai chân vẫn chạy, không dám ngừng vì tính mạng của người bệnh đang treo đầu sợi tóc. Không một thiết bị cấp cứu, thậm chí không một chút hiểu biết nào về căn bệnh, có khi bệnh không đáng gì mà phải chết. Các vật phẩm còn lại là do những người buôn gánh từ Tân Thành lên, những gánh hàng ít ỏi chủ yếu là lấy hàng đổi hàng. Đời sống tự cung tự cấp dần dà đi vào bế tắc, một số người đã đùm túm nhau bỏ đi đến những vùng đất khác như Tiến Thành, Tánh Linh, Duồng và một số ít vượt biển ra nước ngoài…
“Cái khó ló cái khôn”, những người ở lại không chịu thua hoàn cảnh, tự khắc phục, vươn lên. Ông Bưởi là người tiên phong mua một chiếc xe than chạy theo đường mòn xe trâu qua phi trường căng ESEPIC cũ đến Phan Thiết. Chuyến xe vòng đi vòng về hàng ngày này đã mở được một hướng trao đổi hàng hóa và mua sắm nhu yếu phẩm của người dân vốn bức bí bấy lâu nay. Dần dà ở đội 2 đã có tiệm tạp hóa, đội 3 đã có nơi sạc bình acquy, ánh sáng từ những chiếc bình điện đã thay dần đèn dầu. Mùa lặn sò năm đó trúng lớn, lại thêm được mấy chiếc hon da chạy đường biển… Việc kết nối Suối Nhum với Phan Thiết đã đem lại cho đời sống của người dân qua một bước chuyển mới.
Xã đạt chuẩn nông thôn mới
Trong buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập xã Thuận Quý (20/6/1986 – 20/6/2016), ông Võ Văn Trường, Bí thư Đảng bộ xúc động thông báo: “Nếu như năm 1986 từ mức thu nhập bình quân chưa tới 1 triệu đồng/người/năm thì đến nay đã đạt trên 20 triệu đồng/người/năm”. Rõ ràng đó là một bước đột phá rất lớn so với xuất phát điểm quá thấp của người dân nơi đây và với một vùng đất “lập làng” quá hoang sơ.
Cũng xin nói thêm, bãi biển Suối Nhum (Thuận Quý) tuy dài 4,2 km nhưng là bãi ngang, không có cửa biển nên gần như không thể phát triển nghề biển. Đến mãi năm 2005, cả xã mới chỉ phát triển được 12 ghe, 35 thúng chai, sản lượng đánh bắt không đáng kể. Nhưng nhờ đoạn bờ biển dài hơn 4 km này mà con mắt của ngành du lịch đã “dòm ngó” tới vùng đất vốn hoang sơ như Suối Nhum. Và ngày nay, các resort đã mọc lên dày đặc trên cả 4,2 km bờ biển này.
Năm 1986, xã Thuận Quý được thành lập nhưng đến năm 2000 Thuận Quý mới có đường nhựa 719 nối ra quốc lộ 1A xuyên qua địa bàn Hàm Minh và đường quốc phòng ven biển nối với Tiến Thành, Tân Thành. Và lúc bấy giờ mạng lưới điện quốc gia cũng đã được kéo tới Thuận Quý.
Ngày nay, với số dân 2.465 người/488 hộ, Thuận Quý đã có hệ thống giáo dục tương đối đầy đủ: 1 trường mẫu giáo, 1 trường cấp 1 và 1 trường trung học cơ sở. Cơ sở vật chất trường lớp được xây mới khang trang. Toàn xã đã đạt chuẩn phổ cập 3 cấp: mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở.
Về y tế, Thuận Quý đã có trạm y tế với diện tích xây dựng 330/1.076 m2 đất, đội ngũ y bác sĩ được tăng cường, đã có đủ bác sĩ, y sĩ, y tá, điều dưỡng. Điện, đường, trường, trại là những yếu tố quan trọng cho các bước đột phá của địa phương.
Ông Lê Minh Quang, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã phân tích: “Thực tế, giá thanh long hiện nay, Thuận Quý luôn cao hơn 3 giá so với nơi khác, ví dụ giá thị trường 17.000 đồng/kg thì thanh long Thuận Quý được mua giá 20.000 đồng/kg. Qua một nhận xét về sản phẩm nông nghiệp như vậy thôi cũng đủ thấy không chỉ do thổ nhưỡng, nước non, môi trường tốt mà còn phản ảnh sự cần cù, chăm chỉ, đoàn kết của người dân. Ngày nay, người dân đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư mua sắm tư liệu sản xuất, mở rộng diện tích, thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Chẳng hạn, cũng là bị bệnh đốm nâu, nhưng Thuận Quý ra quân đồng loạt, cùng lúc xử lý cắt bỏ 14 tấn cành bệnh, đào hố sâu, chôn lấp, rắc vôi nên bệnh đốm nâu giảm nhiều so với các địa phương khác. Hay việc tham gia 100% theo chuẩn VietGAP, như năm vừa rồi diện tích thanh long ruột đỏ tăng hơn 33 ha, nâng tổng số diện tích canh tác thanh long lên 477,2 ha nhưng hiện tham gia chuẩn VietGAP đã đạt 457,42 ha… Từ đó mà kết quả thu được từ sản xuất tăng cao, lại do tính biết tiết kiệm mà có của ăn của để, cuộc sống của người dân có những bước đột phá mạnh mẽ…”.
Tuy trình độ dân trí nhìn chung chưa cao nhưng đa phần dân chúng chất phác, cần cù lao động, chịu thương chịu khó, biết khắc phục khó khăn, có truyền thống đoàn kết, biết tương trợ lẫn nhau. Dù một số lớn dân chúng mới bước đầu làm quen với nghề nông nhưng đã học hỏi rất nhanh những kinh nghiệm của người trong đất liền, biết sáng tạo và phát huy những kinh nghiệm, thành quả để phát triển mạnh về kinh tế và cả phát triển đời sống văn hóa.
Với việc đánh giá đã hoàn thiện 19 tiêu chí, xã Thuận Quý được Thủ tướng Chính phủ công nhận đã đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ngày 26/4/2018, UBND xã Thuận Quý tổ chức lễ công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới 2017. Đây là bước chuyển toàn diện quan trọng của một địa phương đang trên đà phát triển. Tôi tin chắc chắn rằng một ngày không xa nữa, không những chỉ số thu nhập mà chỉ số hạnh phúc của người dân Suối Nhum xưa, Thuận Quý nay sẽ tăng rất cao và Thuận Quý sẽ là một địa phương phát triển toàn diện.
Bút ký: Nguyễn Tân Hải