Chuyện 3 cây cầu trên một dòng sông…
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 10:45, 05/04/2019
Cầu Quan - Phú Hài. |
Sông Cái khởi nguồn từ vùng rừng núi Gia Bát (Di Linh - Lâm Đồng) rồi về vùng Sông Quao nguyên xa xưa có nguồn gốc từ tiếng Chăm là Krông Nao, lâu ngày người Việt đọc trại ra là Sông Quao. Từ rừng núi phía Tây, sông Quao chảy về phía Đông đồng bằng Hàm Thuận, qua Ma Lâm, Hàm Trí đến thôn Hội Nhơn của xã Hàm Chính của huyện Hàm Thuận Bắc ngày nay dòng sông lại có tên là sông Hội Nhơn. Tại đây có một phụ lưu từ phía Tây bắc chảy về được gọi là sông Cạn hợp lưu với sông Cái, hình thành một ngã ba sông. Từ ngã ba sông, qua xóm Lụa (thị trấn Phú Long) xuôi về hạ du sông được giữ nguyên tên sông Cái, về tới Phú Hài lại được gọi sông Phú Hài. Con sông Cái tính từ đầu nguồn Gia Bát - sông Quao đổ ra cửa Phú Hài có chiều dài là 71 km.
Sông không dài không rộng nhưng sâu nặng tình người, bởi chúng ta “ai không sinh ra và lớn lên bên một dòng sông!” và là “dòng sông quê hương Hàm Thuận của tôi”. Trên dòng sông này có 3 cây cầu ở 3 miệt thượng nguồn, hạ du và cửa biển, nối đôi bờ bao nghĩa nặng tình sâu. Một thời, dòng sông với 3 chiếc cầu đã cùng với con người oằn mình đi qua bom đạn chiến tranh. Tháng tư - tháng kỷ niệm những ngày lịch sử lại về, xin chép chuyện về 3 cây cầu bắc qua dòng sông Cái.
Cây cầu Sông Quao sức mạnh lạc quan thời chống Mỹ
Hồ Sông Quao bao bọc bởi núi non trùng điệp, phía Bắc là dãy núi Bà trong kháng chiến người địa phương quen gọi “xã Hầm Sườn”, phía Tây là đồi “Pháo Gãy”, nơi máy bay Mỹ chở trọng pháo đi càn bị du kích bắn rơi. Từ hồ, sông Quao chảy xuống băng ngang tỉnh lộ 8 tại cây số 27 với cây cầu sắt cũng được gọi là cầu Sông Quao.
Năm 1972, chiếc cầu bị bom đạn Mỹ đánh sập. Mùa mưa lũ, từ vùng giải phóng Hàm Thuận việc di chuyển phục vụ tiền tuyến rất khó khăn. Các chiến sĩ kinh tài, hậu cần, dân công không thể mang bồng, đội gạo lội qua sông. Việc làm cầu đặt ra rất cấp bách.
Hồ Sông Quao ngày nay. |
Bằng sức lao động sáng tạo thủ công, quân và dân vùng giải phóng quyết tâm dựng lại cây cầu. Tiếng dao, tiếng rựa chặt cây, đẽo gỗ vang dội núi rừng. Gỗ căm xe để nguyên cây làm trụ, gỗ bằng lăng xẻ ván làm sàn. Dây mây đinh sắt đóng bện liền nhau. Chỉ trong 4 ngày, chiếc cầu gỗ Sông Quao được dựng xong.
Lúc mặt trời sắp lặn bên kia núi, xe trâu, xe bò, xe thồ chở đầy lúa gạo vùng quê Hàm Phú, Hàm Trí, khu Tam Giác nối đuôi nhau qua cầu ngược lên phía Tây phục vụ chiến dịch. Từ Hoài Đức, Tánh Linh lên đèo Blao đường 20, vùng giải phóng và đường hành lang từ Miền về Khu 6 được mở rộng, từ đó góp phần giữ vững vùng giải phóng sau Hiệp định Pari 1973 và tạo lực cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975(*).
Cây cầu Phú Long đứng vững năm 1975
Phú Long nguyên thuở xưa có tên là xóm Lụa, cây cầu ván bắc qua sông có tên là cầu Xóm Lụa, đầu thế kỷ XX người Pháp xây dựng đường thuộc địa số 1 (quốc lộ 1 ngày nay) đi qua Phú Long trước khi vào thị xã Phan Thiết, cây cầu được mang tên cầu Phú Long.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, quân và dân Bình Thuận không thể nào quên trận đánh chiếm thị trấn Phú Long và giữ vững cầu Phú Long tạo thuận lợi cho Quân đoàn 2 nhanh chóng tiến công vào giải phóng thị xã Phan Thiết. Từ đầu nguồn sông Quao lực lượng ta đã tiến công đánh thẳng xuống chiếm khu vực ga Ma Lâm và thị trấn Ma Lâm, đến 21 giờ ngày 8/4/1975 quận lỵ Thiện Giáo hoàn toàn giải phóng. Trong đêm 11 rạng sáng 12/4 ta phát triển đánh vào Phú Long, hướng chủ yếu xuất phát từ Xoài Quỳ (Hàm Thắng) phát triển dọc theo sông Hội Nhơn đánh thẳng vào hướng bắc, tây bắc, hướng thứ yếu đánh từ đông bắc sang (Sa Ra, Tùy Hòa). Địch điên cuồng cho máy bay, pháo binh đánh phá hủy diệt khu vực Phú Long, cầu Phú Long và phản kích liên tục, quyết liệt hòng chiếm lại cửa ngõ chính vào Phan Thiết trên đường quốc lộ 1.
Quyết giữ cầu Phú Long, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới của chủ lực Bộ đánh chiếm và giải phóng Phan Thiết, từ ngày 14 - 18/4 lực lượng ta đã chịu đựng bom đạn ác liệt, bám trụ kiên cường bắn máy bay và đánh lui tất cả các đợt phản kích của địch, giữ vững cầu Phú Long.
Cây cầu Phú Hài, ngày toàn thắng...
Thời nhà Nguyễn mở con đường cái quan ven biển Bắc Nam, nên nhiều cây cầu nằm trên đường cái quan dân gian thường gọi là cầu Quan như qua khu vực Phố Hài có cầu Quan Phố Hài và vào Phan Thiết có cầu Quan Phan Thiết (thuở trước nằm giữa cầu Lê Hồng Phong và cầu Dục Thanh ngày nay).
Cầu Quan Phố Hài chính tên là cầu Sơn Thủy, vì lúc đó cầu thuộc địa phận làng Sơn Thủy (lúc bấy giờ Phú Hài thuộc 2 tổng Thắng An và Lại An, của phủ Hàm Thuận). Thuở ấy dân sinh làng Sơn Thủy được tha bắt lính và không phải đi xâu để làm chiếc cầu này và đảm nhận việc phục dịch ngựa trạm. Đầu thế kỷ XX, trên giấy tờ hành chính của nhà cầm quyền Pháp và Nam triều, Phú Hài thuộc tổng Đức Thắng, phủ Hàm Thuận, cây cầu được gọi là cầu Phú Hài, là một cây cầu có tầm trọng yếu trên đường tỉnh lộ Phan Thiết – Mũi Né.
Bên dòng sông Cái này nhân dân ta từ xóm Lụa xuống Lại An, ra Phú Hài, vào Phan Thiết… luôn ghi nhớ sự kiện ngày 28/7/1886. Hưởng ứng hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi, nghĩa quân Ung Chiếm (người làng Lại An nay là xã Hàm Thắng) và Từ Sĩ Vệ (người làng Sơn Thủy nay là phường Phú Hài) chiếm cứ vùng Lại An, Phú Trường, Dương Xuân, Giếng Xó, tổ chức trận địa đánh giặc Pháp tại khu vực dốc Mù U, mộ Thần Thái Giám, tiến vào Phan Thiết và phủ thành Hàm Thuận bằng ngõ cầu Quan và Bến Lội. Song do binh tận thế cô, các thủ lĩnh nghĩa quân bị giặc bắt và hy sinh anh dũng, giặc bêu đầu các thủ lĩnh ở chợ Dinh, chợ Cửa Phú Hài và Phan Thiết…
Cho đến một ngày năm ấy 1975, địch quyết phá cây cầu Phú Long hòng ngăn chặn đại quân ta tiến vào Phan Thiết song đã bị lực lượng ta đánh trả và giữ vững. Còn cây cầu Phú Hài địch không dám phá vì đó là cây cầu cho chúng từ Phan Thiết rút chạy ra Phú Hài, Rạng, Mũi Né để tìm ghe ra biển. Đêm 18/4/1975, đại quân ta được các cán bộ tác chiến của Quân khu 6 và các chiến sĩ trinh sát của tỉnh dẫn đường tiến thẳng lên cầu Phú Long theo hướng chính yếu vào đánh chiếm các mục tiêu trong Phan Thiết. Cánh thứ hai từ Phú Long rẽ xuống chợ Dinh, rồi Phú Hài, giải quyết cứ điểm Lầu Ông Hoàng, qua cầu Quan tiến thẳng vào Phan Thiết. Sáng ngày 19/4/1975, thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận hoàn toàn giải phóng, góp phần giải phóng miền Nam 30/4/1975, thống nhất đất nước.
Ngày nay, 3 cây cầu được xây dựng rộng lớn và vững chãi nối các vùng quê về Phan Thiết, trung tâm tỉnh lỵ Bình Thuận.
Cây cầu Sông Quao đưa Phan Thiết ngày một gần hơn với miền Tây Hàm Thuận, vùng cao đã thay da đổi thịt, đời sống đồng bào dân tộc ngày thêm ổn định. Năm 1988 hồ Sông Quao được xây dựng là một công trình thủy lợi lớn đầu tiên của tỉnh Bình Thuận. Diện tích mặt hồ rộng gần 700 ha, dung tích chứa trên 73 triệu m3 nước, với hệ thống tuyến kênh dài 104 km đưa nước về tưới cho hàng chục ngàn ha cánh đồng Hàm Thuận; đồng thời hồ còn thường xuyên tiếp nước về hồ Cẩm Hang ở xã Hàm Hiệp (Phú Hội) cung cấp 13 triệu m3 nước sinh hoạt cho TP. Phan Thiết.
Phú Long bây giờ đã là thị trấn bắt đầu có dáng dấp của khu thương mại và công nghiệp, với cây cầu hàng ngày bao chuyến xe qua nối 2 miền Nam Bắc, khách lại dừng chân “ăn miếng bánh hỏi lòng heo, cuốn bánh tráng rau sống, chấm nước mắm ngon đậm đà quê biển”. Và dưới cửa biển kia, cây cầu Phú Hài nối Phan Thiết, Phú Hài ra Mũi Né - bây giờ đã là một khu du lịch với “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”…
Tháng tư lại về, nhớ mãi những người nằm xuống cho các cây cầu đứng vững hôm nay đi tới mai sau.
VÕ NGỌC VĂN
(*): Theo tài liệu ghi chép của nhà văn Phan Minh Đạo.