Những tháng mùa khô: Elnino và nguy cơ cháy rừng diện rộng
Xã hội - Ngày đăng : 11:10, 04/03/2016
Lực lượng bảo vệ rừng truy quét dập tắt các điểm hầm than dễ gây cháy rừng. Ảnh: Tư liệu |
Elnino kéo dài
Theo ông Trần Minh Chí, dự báo viên khí tượng Đài Khí tượng thủy văn Bình Thuận, bắt đầu từ tháng 1/2016 hiện tượng Elnino ngày càng mạnh và kéo dài. Bình Thuận không mưa, gió đông bắc thổi mạnh, nhiệt độ cao dần nắng nóng trở nên khô hạn nhiều vùng. Do ít bão, ít áp thấp nhiệt đới, ít mưa nên các hồ chứa cạn kiệt nước. Hạn hán xảy ra trên diện rộng, nhất là vùng Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong… nhiệt độ cao nhất phổ biến ở mức 34 - 350C, có ngày 360C. Độ ẩm trung bình các tháng 3, 4 giao động từ 70 -75%; có ngày nắng nóng độ ẩm xuống thấp 45 - 50%. Nắng nóng liên tục nhiều ngày, số giờ nắng kéo dài trong ngày, trong khi đó độ ẩm không khí thấp, lượng bốc hơi nhiều nên xảy ra khô hạn, nhiều vùng thiếu nước sinh hoạt và nguy cơ cháy rừng rất dễ xảy ra.
Nguy cơ cháy rừng rất cao
Cục Kiểm lâm vừa có thông báo 15 địa phương trên cả nước, trong đó có Bình Thuận đang có nguy cơ cháy rừng cấp IV - cấp nguy hiểm trong dự báo nguy cơ cháy rừng. Để ứng phó với nguy cơ cháy rừng, ngay từ đầu năm 2016 Bình Thuận đã triển khai nhiều phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Trước hết là các địa phương triển khai phương án bảo vệ, PCCCR năm 2016 của Ban chỉ đạo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Thuận; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả dự án “nâng cao năng lực PCCCR và bảo vệ rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2014 - 2016”. Năm 2016 tiếp tục thực hiện các biện pháp lâm sinh: Cày, phát dọn băng trắng cản lửa, đốt trước vật liệu cháy, dựng bảng cấm lửa, bảng dự báo cháy rừng, trang bị máy thổi gió, bảo hộ lao động cho các tổ, đội chữa cháy các xã trọng điểm cháy; chủ động xác định 3 vùng trọng điểm cháy rừng, đó là: Vùng trọng điểm cháy cấp I có diện tích 96.109ha với những khu vực rừng thường xanh, rừng trồng khu vực có độ ẩm cao; vùng trọng điểm cháy cấp II, III với diện tích 241.423ha. Đây là khu vực có nguy cơ cháy cao thuộc các loại rừng khộp, rừng trồng khu vực ven biển gần khu dân cư và các điểm du lịch và một ít loại rừng rụng lá hầu như trải đều địa bàn các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, La Gi, Tánh Linh.
Rừng khộp dễ cháy. |
Hiệu quả bước đầu
Ông Huỳnh Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Qua triển khai dự án bảo vệ và PCCCR mùa khô 2016 toàn tỉnh đã củng cố và xây dựng 588 tổ, đội PCCCR cơ sở với 4.569 người; chuẩn bị đủ phương tiện, dụng cụ chữa cháy tại các đội, tổ PCCCR, hiện có 173 chiếc xe cơ giới, 1.723 xe gắn máy, 2.949 công cụ thủ công… Mặt khác, tỉnh, ngành đã trang bị cho các Khu bảo tồn thiên nhiên, Ban quản lý rừng phòng hộ và các Hạt Kiểm lâm 37 máy thổi gió, 5 máy cắt thực bì phục vụ công tác PCCCR; xây dựng 2 chòi canh lửa cao 20m tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú và Núi Ông với kinh phí gần một tỷ đồng. Bên cạnh PCCCR bằng biện pháp khoa học công nghệ, biện pháp lâm sinh, bằng công cụ phương tiện PCCCR hiện đại kết hợp với thô sơ… các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR tại 16 xã trọng điểm cháy có khoảng 800 lượt người tham gia; phối hợp với Ban quản lý chương trình UN-REDD tuyên truyền luật, tập huấn nghiệp vụ PCCCR cho 500 hộ dân xã Hồng Phong, Đông Tiến; tổ chức 3.000 hộ dân sống ven rừng làm bản cam kết bảo vệ rừng, PCCCR và tuyên truyền qua các kênh báo chí. Chính nhờ vậy trong 2 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn toàn tỉnh chưa xảy ra vụ cháy rừng nào. Một số trường hợp cháy thực bì đều được các đơn vị phát hiện và chữa cháy kịp thời nên không thiệt hại về rừng.
LÊ THANH