Để sách văn học Bình Thuận đến được với nhiều bạn đọc
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:57, 24/06/2019
Ảnh: T Bình. |
Từ việc phát hành sách văn học Bình Thuận
Đến Nhà sách Fahasa Phan Thiết tại Siêu thị Co.opMart, tìm sách văn học, sách biên khảo về Bình Thuận, tôi không thấy trên các kệ. Hỏi thăm anh phụ trách nhà sách, tôi được anh Phương trả lời: có một số nhà văn, nhà thơ, tác giả của Bình Thuận có liên hệ với Nhà sách Fahasa Phan Thiết để gởi sách bán. Nhưng do không có hóa đơn của tác giả bán hàng nên Fahasa Phan Thiết không thể mua được để phát hành. Fahasa chỉ phân phối theo hệ thống từ tổng công ty đến các chi nhánh các tỉnh. Nhà sách không thể nhập sách ký gởi để bán.
Nhà sách Phương Nam tại Phan Thiết cũng không bán sách văn học Bình Thuận. Sách muốn được bày bán tại Nhà sách Phương Nam phải được sự thống nhất của Phòng Kinh doanh công ty. Công ty nhập và phân phối cho các nhà sách toàn hệ thống.
Đến Nhà sách Hưng Đạo của Công ty Sách & Thiết bị trường học Bình Thuận, bạn đọc có thể mua một số sách văn học Bình Thuận. Sách do tác giả ký gởi để bán, song không nhiều.
Lần tìm về những thống kê của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận ở bài viết của anh Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch Phụ trách Hội, đăng ở Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận số 208 (tháng 3&4/ 2019): “Đến cuối năm 2018, Hội đã xét hỗ trợ cho 79 hội viên xuất bản 65 đầu sách văn học, hỗ trợ cho 6 chi hội huyện, thị xã, thành phố xuất bản tuyển tập văn nghệ địa phương… Có những tác phẩm có giá trị về nội dung văn học và nghệ thuật như: Tuyển tập “20 năm văn học Bình Thuận 1982-2002”, 2 tuyển tập “Văn, thơ Bình Thuận sau 1975” (xuất bản năm 2008), 2 tuyển tập “Văn, thơ Bình Thuận 2010 - 2015”(xuất bản năm 2016)... cùng với những tác phẩm do các tác giả tự bỏ tiền ra in, thì số sách văn học được xuất bản những năm qua không phải là ít.
Ngược thời gian thêm một ít, Địa chí Bình Thuận, do Sở Văn hóa – Thông tin Bình Thuận xuất bản năm 2006 đã có những ghi nhận khái quát nhất về văn học Bình Thuận: “Suốt quá trình lịch sử dựng và giữ nước hội tụ những đặc điểm của vùng đất cực Nam, văn học Bình Thuận đã cố gắng bám sát cuộc sống, khắc họa nên diện mạo con người Bình Thuận anh dũng, kiên cường, nhân hậu, thủy chung; góp phần không nhỏ vào việc xây đắp đời sống tinh thần, văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, gắn bó mật thiết với văn học dải đất miền Trung và văn học cả nước”. Tháng 10/2017, đã có 2 nhà giáo bảo vệ thành công luận văn cao học về văn học Bình Thuận tại Hội đồng chấm luận văn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Thầy giáo Lương Đào Quốc Dũng bảo vệ đề tài “Văn học Bình Thuận giai đoạn 1945 - 1975” và cô giáo Phạm Thị Huyền Nhung bảo vệ đề tài “Văn học Bình Thuận từ 1975 - 2015”.
Trong khi đó, các nhà văn nhà thơ của tỉnh, lao động trong nhiều tháng, nhiều năm, với rất nhiều thủ tục để xin cho được giấy phép xuất bản, bỏ ra không ít tiền, mới có thể in được tác phẩm; in rồi, phần lớn chỉ để tặng bạn bè, người thân. Có tác giả liên hệ một số nơi (Nhà sách Hưng Đạo, trường học, cơ quan…) để bán sách của mình. Các anh chị nhà văn, nhà thơ ấy, vừa lao tâm khổ trí để sáng tạo, lại vừa phải vất vả lo khâu phát hành (có khi lại không phải là công việc chuyên nghiệp của mình).
Độc giả cần đọc các sáng tác văn học Bình Thuận, nếu không là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, các chi hội hội văn học nghệ thuật địa phương, khó tìm được những tác phẩm này. Các tác giả vẫn đau đáu về đề tài, về tác phẩm, và chắc chắn, tâm trạng là mong muốn đứa con tinh thần của mình được nhiều bạn đọc tìm đọc, trao đổi, có những ý kiến luận bàn, những lời động viên. Song, bạn đọc cần tìm đọc sách văn học địa phương lại không dễ gì tìm những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ quê mình sáng tác, và sáng tác về quê hương. Cung và cầu thiếu nơi để trao đổi, khi công tác phát hành chính thức từ các nhà sách lớn của tỉnh vướng phải quy định của tổng công ty.
Thiệt thòi, có lẽ thuộc về bạn đọc, nhất là bạn đọc yêu văn chương Bình Thuận, khó tìm sách để mua. Thiệt thòi, cả với những tác giả sáng tạo ra tác phẩm, khi sách bán được ít, khó thu lại đủ chi phí cho công tác xuất bản, in ấn.
Mong sách đến được với nhiều độc giả
Từ tình hình phát hành sách văn học địa phương tại tỉnh ta thời gian qua, tôi lại nhớ về một số nhạc sĩ kể lại quá trình sáng tác, chăm chút cho bản nhạc của mình. Từ lúc tác giả thai nghén, viết, sửa chữa, rồi chọn ca sĩ thể hiện bài hát của mình lần đầu tiên, sao cho thật hiệu quả, để bảo đảm rằng, ngay từ lần đầu ra mắt khán giả, ca khúc ấy đã tạo ấn tượng mạnh nơi người nghe, người xem. Dẫu biết rằng, việc phát hành một tác phẩm văn học khác với việc phát hành một ca khúc, nhưng sao tôi vẫn thấy có điều gì đó cần được quan tâm ở đây.
Để tác phẩm văn học Bình Thuận đến được với nhiều bạn đọc, mong rằng có cơ quan chuyên môn đứng ra hỗ trợ cho các tác giả trong việc quảng bá, tổ chức những buổi ra mắt, giới thiệu về tác phẩm; làm việc với các phòng chức năng của các công ty phát hành sách lớn, để các công ty nhập sách về, phân phối trong toàn hệ thống; đồng thời phát hành đến thư viện các trường. Tác giả có sách xuất bản chịu mức phí cần thiết cho cơ quan chuyên môn trong công tác này.
Mong sao, văn học Bình Thuận ngày càng có nhiều tác phẩm có giá trị, có mặt trên những chiếc kệ trang trọng của những nhà sách lớn trong cả nước, trên những kệ sách xinh xắn của thư viện các trường, để các tác giả của quê hương chúng ta có thêm động lực, niềm vui, tiếp tục cho ra đời những sáng tác mới.
Minh Trí