Đêm, bên đền Bến Dược, bài thơ biến hóa giữa thực và ảo của Đoàn Vũ
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:56, 12/07/2019
Là một người thơ của vùng đất Bình Thuận thiếu mưa thừa nắng, gió thổi mù khơi, Đoàn Vũ đã có những vần lục bát gợi nhớ, gợi thương mặn nồng sâu lắng. 2 lần nhận giải Dục Thanh của Bình Thuận, năm 2006 với tập Gọi biển và năm… với tập…. giải ba cuộc thi lục bát của báo Giác Ngộ (2010), nhiều bài thơ khá xuất sắc được đăng trên Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Trẻ, Thanh Niên chủ nhật... Đặc biệt là sự thành công về thể thơ văn xuôi và thể lục bát viết về quê hương, về người bà yêu quý, viết cho con gái khuyết tật...
Một buổi chiều gió nổi, bước chân phiêu lãng đã đưa Đoàn Vũ đến nơi lưu giữ những ký ức âm vang của một thời máu lửa… Và chiều hôm nay, trong không gian nỗi niềm sâu thẳm này, anh đã viết để tri ân những người nằm xuống trong bài thơ “Đêm, bên đền Bến Dược”. Tâm tình ấy gói gọn trong hai câu lục bát dịu mềm - 4 dòng, 28 chữ. Hình như tâm thức Đoàn Vũ đã hòa nhập giữa thực và ảo. Nhà thơ như đang trò chuyện với những người trong cõi sinh, dù rằng họ đã về cõi vĩnh hằng:
“Đêm, bên đền Bến Dược”
Trăng cong khắng khít hồn thiêng
Nghe văng vẳng tiếng ba miền gọi nhau
Nén nhang cong đến nghẹn ngào
Các anh, chị… có khi nào hồi hương?
(Đoàn Vũ)
Trăng chưa đến độ viên mãn nên mảnh trăng cong như con thuyền nhỏ trên bầu trời cao rộng. Vầng trăng không đầy nên mờ mờ ảo ảo. Ảo mộng cùng trăng. Ảo mộng cùng người. Ánh trăng đêm như rắc chút sương khói mơ hồ. Và từ hình ảnh đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng và mỏng mảnh ấy, Đoàn Vũ đã tạo nên một không gian nghệ thuật đầy nét phiêu linh, bởi khác mọi người ở chỗ, Đoàn Vũ đã đến viếng đền Bến Dược vào một đêm trăng. Mảnh trăng cong như cuộn mình đón nhận những hồn thiêng sông núi nằm nơi vùng đất ấy bay lên, khắng khít, hòa quyện vào nhau giữa đất trời thanh tịnh. Bàng bạc cõi thực nhưng cũng bàng bạc cõi linh thiêng, không thể phân định nữa rồi:
Trăng cong khắng khít hồn thiêng. Họ đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong lửa đạn, đến bây giờ lại cùng nhau quần tụ về đây trong tình yêu thương và sự kính trọng của dòng người đến viếng, trong đó có Đoàn Vũ. Với trí tưởng tượng phong phú và niềm xúc động trào dâng, nhà thơ như đang nhìn thấy cảnh tượng: Những linh hồn bất tử đang khắng khít bên nhau, đang nghe “văng vẳng” đâu đây tiếng gọi của nghĩa tình đồng đội. Với nhà thơ, họ đang sống. Họ đang ngắm trăng bên chiến hào sau những thời khắc chiến đấu ác liệt.
Họ đang thân thiết gọi nhau:
Nghe văng vẳng tiếng ba miền gọi nhau
Từ láy “văng vẳng” có giá trị gợi thanh một cách mơ hồ nhưng cũng thật cụ thể. Trong tiềm thức của Đoàn Vũ, các anh vẫn đang phiêu linh quanh quẩn đâu đây. Tiếng ba miền yêu thương vẫn đang gọi nhau về hội tụ.
Trong không khí thiêng liêng, với lòng thành kính vô biên biết ơn những người đã khuất, nhà thơ run run cầm nén tâm hương khấn vái. Nén nhang cong nghẹn ngào hay chính nhà thơ đang nghẹn ngào, se sắt!
Nén nhang cong đến nghẹn ngào. Tâm tình ấy của nhà thơ đã lay động đến tâm can của người đọc. Những vần thơ từ trái tim anh đã truyền đến trái tim độc giả một cách an nhiên. Trong không gian bảng lảng khói hương, nhà thơ như nén chặt lòng để bật lên câu hỏi: Các anh, chị… có khi nào hồi hương?
Biết làm sao được, chiến tranh khốc liệt, nơi hòn tên mũi đạn, làm sao tránh khỏi người hữu danh bên cạnh vô danh trong hai mươi mấy ngàn liệt sĩ nơi đền Bến Dược. Những câu chuyện đi tìm đồng đội vẫn chưa khép lại, nên biết bao giờ các anh chị hồi hương về bên cha mẹ, anh em…
Chiến tranh đã để lại những nỗi đau không nguôi. Và nỗi đau ấy làm xót lòng những người hậu thế, như Đoàn Vũ trong bài thơ “Đêm, bên đền Bến Dược”, một bài thơ hay.
Nguyễn Thị Liên Tâm