Ngự tứ Bửu Sơn tự - một danh lam Phan Thiết
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 10:17, 05/10/2019
Sách Đại Nam nhất thống chí, một bộ sách địa chí văn hóa nổi tiếng do Quốc Sử quán Triều Nguyễn biên soạn, ở quyển số 12 viết về tỉnh Bình Thuận, đã có những dòng về chùa Bửu Sơn của ngày xưa: “Chùa ở trên đỉnh núi, phía sau có 2 ngôi tháp, nên tục danh chùa Tháp. Thuở đầu Nguyễn trung hưng, vua Cao Hoàng (Triều Nguyễn) đến viếng, mới đặt cho tên là Bửu Sơn tự, ban cấp tiền và sai làm tấm biển. Nay trong chùa có biển khắc chữ: “Ngự tứ Bửu Sơn tự””. (Vua đã đến, ban cho tên chùa Bửu Sơn). Vua Gia Long trị vì nước ta từ năm 1802 – 1820, đến nay đã trên 200 năm. Như vậy, chùa cổ Bửu Sơn đã được xây dựng từ trước đó.
Trải qua mưa nắng theo thời gian, năm 1961, chùa được xây dựng lại trên nền cổ tự ngày trước. Và từ 1961 đến năm 2000, đã có nhiều vị sư đến tu, trụ trì.
19 năm, một hành trình
Từ cầu Phú Hài theo đường Nguyễn Thông, nội thành Phan Thiết đi Mũi Né, nhìn lên: Trước mắt du khách là một ngôi chùa đẹp, nằm chếch cao trên lưng chừng đồi, dáng mái cong thanh thoát, tượng Quan Thế Âm hiền từ, bảo tháp uy nghiêm, giữa tầm nhìn theo hướng tháp Pô Sah Inư trầm mặc.
Con đường lát bê tông đưa du khách lên con dốc cao, đi ngang qua vườn lộc uyển, với tượng Đức Phật và 5 anh em Kiều Trần Như (theo sự tích Đức Phật), để bước lên cổng tam quan. Cổng tam quan của chùa là 4 trụ đá to, được chế tác, chạm khắc từ đá hoa cương nguyên khối. Qua cổng tam quan, bên phải là tượng Quan Thế Âm Bồ tát cao 10m, cũng được tạc bằng đá nguyên khối nặng 50 tấn, dáng thật sinh động, đứng trên tòa sen, giữa một hồ nước trong vắt. Tiếp tục bước theo những bậc cấp được lát bằng đá hoa cương, du khách sẽ thấy 2 bên: 1 lầu chuông, 1 lầu trống; cả 2 lầu bề thế, uy nghi. Mỗi lầu là 2 tầng mái, dáng các góc cong mềm mại.
Chánh điện của chùa với diện tích gần 400m2, 2 tầng mái, mặt trước dáng bằng với những đường cong uốn lượn các góc. Giữa 2 tầng mái, tên chùa được khắc theo tên được vua ban ngày xưa: “Chùa Ngự tứ Bửu Sơn”. Bảo tháp uy nghiêm, màu hồng cánh sen, 5 tầng, cao 10m, nằm bên trái của chánh điện, trước tăng đường, nhà chúng.
Chùa Bửu Sơn ngày nay, đã có đầy đủ các công trình theo lối kiến trúc chùa Việt (tam quan - chánh điện - tăng đường - bảo tháp). Những công trình, hạng mục của Bửu Sơn tự hiện nay, được xây dựng theo thế triền đồi, với độ cao từ nền chánh điện so với mặt đường Nguyễn Thông bên dưới là 27m.
Đại đức Thích Nguyên Sắc về chùa Bửu Sơn từ năm 2000, theo đơn thỉnh nguyện của Ban Hộ tự chùa ngày ấy và được sự chấp thuận của Giáo hội. Khi ấy, Bửu Sơn còn là một ngôi chùa cổ, kiến trúc đơn sơ, xung quanh là rừng cây u tịch.
Khó có thể liệt kê hết những nhọc nhằn, vất vả của biết bao việc mà Sư thầy trụ trì đã làm cùng với tăng chúng, phật tử, bổn đạo và bà con phường Phú Hài cùng một số phường, xã khác trong thành phố suốt 19 năm qua: bạt đá, gánh từng gánh đất, san lấp mặt đường, làm đường lên chùa. Rồi làm việc với các cơ quan chức năng để kéo điện, nước về. Lần lượt, những hạng mục công trình của chùa được xây dựng trên nền diện tích 6.000m2, thế triền đồi; để Bửu Sơn tự có được diện mạo uy nghiêm như ngày nay. Những mốc thời gian xây dựng các công trình đã được những trang sử quý báu của nhà chùa lưu lại: Năm 2001 làm đường lên chùa; năm 2004 xây nhà chúng (nơi tăng chúng ở); năm 2006 xây bảo tháp; năm 2008 – 2010 xây tăng đường (nhà lớn); năm 2013 xây chánh điện cùng 2 lầu chuông, trống; năm 2014 dựng tượng Quan Thế Âm; năm 2015 xây cổng Tam quan (mới), vườn lộc uyển, vòng thành… Do vị trí chùa ở thế triền đồi, chỉ riêng việc tạo được mặt bằng bằng phẳng để xây dựng từng hạng mục công trình đã tốn lắm công sức của sư thầy cùng tăng chúng, phật tử, bổn đạo và thợ xây.
Việc cung kính dựng tượng Quan Thế Âm bằng đá nguyên khối, nặng 50 tấn an vị tại địa điểm hiện nay thật sự là một kỳ công. Bởi tượng Quan Thế Âm thật lớn và nặng, lại đưa lên đồi cao. Chỉ có lòng thành tâm, tính toán thật tỉ mỉ, khéo léo của sư thầy trụ trì, cùng với sự hỗ trợ tốt của kỹ thuật, mới có thể dựng tượng thành công.
Dưới góc nhìn của du khách
Phật tử, khách thập phương đến vãn cảnh chùa, từ nhà chúng, chánh điện nhìn ra trước mặt sẽ thấy một quang cảnh rất đẹp, một không gian mở, trải rộng nhiều hướng trước tầm mắt du khách: Bên trái là biển xanh xa xa, những ghe chài nhấp nhô theo gợn sóng; trước mặt, hướng Tây là TP. Phan Thiết nhộn nhịp với những mái nhà, những công trình xây dựng vươn cao; bên phải là đường Nguyễn Thông, liên tục xe ra vào Mũi Né; sau lưng là tháp Pô Sah Inư uy nghiêm. Toàn cảnh chùa là những công trình đẹp, nằm lẫn với những hàng cây xanh mát.
Quan sát được khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, tươi đẹp, hữu tình như vậy thật sự là một trải nghiệm thú vị, điều mà du khách chỉ có thể cảm nhận được khi đến với chùa Ngự tứ Bửu Sơn. Du khách đón nhận những làn gió mát lành khi vãn cảnh chùa, với bao bậc cấp phải vượt qua, với 3 tầng sân để lên chánh điện lễ Phật, để thấy lòng thầm phục công sức của sư thầy trụ trì cùng tăng chúng, phật tử, bổn đạo và bà con đã toàn tâm xây dựng chùa Ngự tứ Bửu Sơn trong những năm tháng qua. Một cổ tự được lưu tên trong những trang sách quý của cha ông ta ngày xưa, nay xứng đáng là một danh lam xứ biển.
Đại đức Thích Nguyên Sắc, sư thầy hiện đang đảm nhiệm chức Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử Giáo hội Phật Giáo tỉnh Bình Thuận, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo TP. Phan Thiết, vị sư trụ trì vẫn đang ngày ngày chăm lo tam bảo, chăm lo Phật sự, chăm lo tăng chúng tại chùa Ngự tứ Bửu Sơn. Sư thầy cũng là một người có tâm hồn thi nhân, đã cho ra mắt bạn đọc tập thơ Chiều Già lam trong năm 2017. Hồn thơ ấy là mạch cảm xúc của một nhà sư trong chốn cửa thiền (Già lam), trước cảnh sắc chung quanh:
“Có phải đào nguyên, cõi thế mong,
Mà sao trần cảnh chẳng bụi hồng.
Khuya sớm hồi chuông tan niềm tục,
Vui câu không sắc, sắc rồi không”.
(Đêm khuya bên tháp Vô tung - Trích Tập thơ Chiều Già Lam).
Minh Trí