Cá lòng tong kho tiêu của mẹ
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 17:33, 29/11/2019
Ảnh minh họa |
Tôi ngồi chịu trận trên cây mà không dám dùng tay phủi vì sợ té. Những cú cắn đau nhức như trời đánh ấy làm da thịt tôi nổi lên những mận ửng đỏ như bị dị ứng nổi mề đay. Thân đau nhức do bị kiến cắn đã đành, vậy mà còn bị thêm trận đòn roi mây của mẹ quất lên cặp mông hằn những lằn đỏ.
Ngoài loại cá lòng tong đá còn có loại khác là lòng tong bay có thân hình nhỏ hơn, màu hơi xanh bạc, thịt cũng thơm ngon. Tập quán của chúng sống theo bầy đàn, thường ở những nơi có mực nước cạn như: đồng ruộng, kênh, mương vì vậy không thể câu mà dùng lợp đặt, giăng lưới để bắt. Cá này chiên vàng, ăn cả xương nhai giòn rụm trong răng, rất béo, thơm ngon nên người ta nấu canh với rau... Nhắc đến nấu canh, tôi chợt nhớ, hồi đó bọn tôi vừa chập chững đến trường ngồi lớp 5 của bậc tiểu học, chữ viết chưa đầy lá mít. Đâu có hiểu hay biết gì về thứ luật vi phạm bản quyền, có đứa cao hứng, chế lời ca bài hát Ngày trở về của nhạc sĩ Phạm Duy: “Ngày trở về, anh xuống sông, bắt cá lòng tong nấu canh bí đao, có ngờ đâu lòng tong chết chìm vì cá lìm kìm”. Thật vậy cá lòng tong mà nấu canh với bí đao thì, nước súp canh thơm ngọt, húp vào một chén thôi, khi đi ngủ cơ thể mát khỏi phải cần quạt, chấp luôn mùa hè.
Hình ảnh con cá lòng tong gắn liền với tuổi thơ bọn tôi trong những lời ca, câu đố, ẩm thực. Tôi có một kỷ niệm nhớ mãi về cái ngu của mình. Hôm đó cả bọn tổ chức trò chơi đố vui có phạt, đứa nào không giải được thì bị quẹt lên mặt một vệt lọ nồi. Tôi bắt cặp với thằng Bảy, hai đứa “đánh tù tì ra cái gì ra cái này” tôi ra cây kéo, nó ra cái bao. Tôi được quyền ra câu đố trước như vầy: “Cây gì mà có 5 cành. Ngâm nước thì héo để dành thì tươi”. Tôi khoái chí và tự tin mình sẽ thắng, nào dè, quỷ xui ma khiến thằng Bảy chợt “thông minh nhất nam tử”, nó giải đáp là bàn tay. Cả bọn nghe giải thích hình dung được và chấp nhận. Tới phiên nó ra câu đố: “Một vũng nước trong, bầy lòng tong lội hoài không tới”. Không có đứa nào giải đáp được, lúc này tôi nhìn cái bản mặt thằng Bảy vênh vênh tự đắc mà tức ứa máu. Cả bọn đầu hàng chịu thua, thằng Bảy chỉ ngón tay lên cây dừa nói, là trái dừa trên đó, đó. Không đứa nào đồng ý giải đáp của nó, nhao nháo cãi lại. Tôi là kẻ trong cuộc đối đầu nên bướng bỉnh, phùng man, trợn mắt, phù gân cổ lên cãi với nó theo lập luận tuổi thơ mình: Con cá lòng tong ai cũng biết sống dưới sông, đồng, ruộng, chứ vũng nước sao mà sống được mà mầy đố “bơi hoài không tới”. Nghe tôi cãi, thằng Bảy cũng đuối lý, nó nạt: “Mầy đừng nói vậy, bộ câu này của tao sao? Bác Tư thợ mộc dạy tao đó, người lớn nói là đúng, đâu có sai. Đưa mặt đây cho tao quẹt lọ đi”. Hai đứa cãi qua cãi lại, không thằng nào chịu nhịn thằng nào, rồi a thần phù xáp vô tay đánh, chân đá loạn cào cào, khi mệt thì ôm nhau vật, té xuống sân, mình mẩy lem luốc sình bùn. Ngồi ngẫm nghĩ, tôi chợt hiểu thì ra con cá lòng tong đã có rất lâu đời trong đời sống sinh hoạt, tình cảm trai gái, ẩm thực của người dân Việt Nam. “Thiếp như con cá lòng tong. Đói đem kho quẹt đỡ lòng trống không”. Thật vậy, nói gì thì nói, chứ món cá lòng tong kho tiêu là ngon tuyệt trần.
Tuy nói cá lòng tong kho tiêu là món ăn dân dã, rẻ tiền nhưng là của thời tuổi thơ tôi, đối với những người dân sống ở thôn quê. Còn bây giờ, món cá lòng tong kho tiêu đã trở thành món ngon trong đời sống ẩm thực của người dân thành phố khá giả.
Mấy ngày nay trời mưa liên tục. Trong cái lạnh hiu hiu, tôi lại thèm được ăn món cá lòng tong kho tiêu của mẹ ngày xưa.
Huỳnh Duy Lộc