Võ Ngọc Văn và những trang viết đậm tình xứ sở
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 17:09, 10/01/2020
Sự phát triển của những vùng đất trên quê hương
Đọc những bài viết của tác giả Võ Ngọc Văn, bạn đọc dễ nhận ra một điều: Dù viết về miền nào của quê hương, anh thường nhắc đến ngày xưa và bây giờ. Lịch sử, sản vật đặc trưng, nét văn hóa tiêu biểu, chứng tích tiêu biểu, những câu hát dân gian của ngày xưa, sinh hoạt của bà con của những vùng đất ấy ngày xưa theo nghề nghiệp, ký ức của các cụ cao niên và cả ký ức của tác giả ở những bài ghi chép, bài ký được anh đề cập, phần nhiều là ở phần đầu bài viết.
Kế đó là hiện trạng của ngày nay, những thành quả trong đời sống kinh tế, xây dựng nông thôn, xây dựng đô thị, sự phát triển về các mặt của từng vùng trên quê hương chúng ta.
Điều ấy thể hiện rõ ở hầu hết các bài viết của anh: Chuyện 3 cây cầu trên một dòng sông, Một ngày biển cát La Gàn, Tìm về câu hát quê xưa, Nghĩ trên đường Thiện Nghiệp, Những vòng xoay Phan Thiết, Thanh Hải – một vùng quê tốt đời đẹp đạo…
Anh chịu khó sưu tầm tư liệu cũ, đối chiếu các tư liệu, cùng với đi thực tế đến tận vùng đất anh cần tìm hiểu, trò chuyện với các cụ cao niên, những người am hiểu chuyện quê hương, lần theo những câu ca dao cổ của quê hương, và cả việc cập nhật những thông tin mới, những số liệu mới cho đề tài. Anh đã dành khá nhiều công sức, thời gian, trí tuệ, vốn hiểu biết chuyên ngành để cho ra mắt bạn đọc các bài viết đầy tâm huyết, giàu thông tin.
Qua những bài viết dày dặn về tư liệu của anh, Võ Ngọc Văn đã giúp cho bạn đọc hiểu phần nào về lịch sử quê hương chúng ta ở phạm vi đề tài mà anh đề cập. Điều ấy rất cần. Bởi không phải mọi bạn đọc đều có điều kiện với thời gian, sách vở để hiểu một phần về lịch sử quê mình. Những bài viết của anh được đăng tải trên báo Bình Thuận cuối tuần thời gian qua không chỉ giúp cho bạn đọc lớn tuổi mà có ích cho cả thế hệ trẻ, khi cần tìm hiểu một số nét văn hóa quê hương, nếp sinh hoạt và nghề nghiệp, những vất vả, khó nhọc của bà con quê mình ngày trước, khác nhiều với điều kiện sinh hoạt, phương tiện đi lại và nếp nghĩ, cách làm của bà con chúng ta ngày nay.
Sức liên tưởng của một nhà thơ, người đam mê viết báo, đã đưa anh đến với những đề tài mang tính phát hiện: Chuyện 3 cây cầu trên một dòng sông (viết về cầu Sông Quao, cầu Phú Long, cầu Phú Hài bắc qua dòng sông Cái - Con sông Cái tính từ đầu nguồn Gia Bát về vùng sông Quao, đổ ra cửa Phú Hài), Tìm về câu hát quê xưa (với những câu ca dao đậm tình quê hương: “Tiếng đồn Đại Nẫm nhiều xoài/Xuân Phong cốm nếp, Phú Tài mạch nha”, và “Anh về Phan Thiết đưa đò/Trước đưa quan khách, sau dò ý em”… cùng rất nhiều câu hát, câu chuyện kể thú vị khác nữa), Những vòng xoay Phan Thiết - Anh đi từ bùng binh Ngã Bảy Phan Thiết đã hình thành từ rất lâu trước đây; đến những vòng xoay của Phan Thiết được mở ra sau này: vòng xoay Hùng Vương, vòng xoay Bắc Phan Thiết, vòng xoay Nam Phan Thiết, vòng xoay Tượng đài Chiến Thắng... Và anh đã viết hay về những đề tài này.
Đọc những bài ghi chép, ký của Võ Ngọc Văn, người đọc nhận ra rất rõ sự phát triển của Bình Thuận ngày nay so với ngày đã qua; sự đi lên về các mặt khác nhau của Phan Thiết, của những vùng miền khác của Bình Thuận chúng ta. Bà con quê Bình Thuận sinh sống, làm ăn, hòa đồng cùng bà con quê ngũ Quảng vào Bình Thuận từ nhiều thế kỷ trước; với bà con người Thanh Hóa, Quảng Bình… vào Bình Thuận từ năm 1954 và một số năm sau đó; cả với những anh bộ đội Quân đoàn 2 vào chiến đấu, thi hành nhiệm vụ cấp trên giao mà nhiều người trong số họ đã ở lại làm ăn, gắn bó với mảnh đất Bình Thuận dài lâu; cùng bà con từ nhiều vùng đất khác của cả nước đến với Bình Thuận.
Tấm lòng của tác giả với đất và người Bình Thuận
Không ít lần, bạn đọc đọc các bài viết của Võ Ngọc Văn cảm nhận được tấm chân tình sâu nặng của anh đối với Bình Thuận quê hương. Đọc “Những vòng xoay Phan Thiết” chúng ta nghe anh tả về những vòng xoay, những bùng binh của Phan Thiết ngày xưa và bây giờ, anh cũng kể về những ngày tuổi thơ, những ngày đi học, đi chơi của mình, khá chi tiết, chân thật. Đọc “Tìm về câu hát quê xưa…” bạn đọc nhận ra tình yêu quê hương tha thiết của anh, sau những chuyến đi điền dã sưu tầm những câu ca dao xưa. Đọc “Nghĩ trên đường Thiện Nghiệp” để nghe anh kể về một miền quê đáng yêu đầy cát của ngày xưa, và những con đường phẳng phiu đi lại thuận tiện vô cùng của ngày nay; bạn đọc biết anh trân trọng, yêu thương mẹ của mình như thế nào, những ngày bà một nắng hai sương chăm lo cho gia đình, như bao bà mẹ khác trên những miền quê Bình Thuận.
Võ Ngọc Văn có lối kể từ tốn, dẫn dắt người đọc từ chi tiết này đến chi tiết khác chậm rãi, thong thả. Thẳm sâu bên trong những câu chữ, là tình yêu quê hương chân chất và sâu đậm của anh, để anh bền bỉ dành thời gian, công sức của mình cho những bài viết về văn hóa, lịch sử, địa danh Bình Thuận.
Là một nhà thơ, trong anh thấm đẫm những câu thơ, câu hát dân gian. Trong một số bài viết của mình, khi phù hợp, anh đã đưa những câu thơ của những bậc đàn anh, của bạn bè vào những bài ghi chép của mình, giúp bài viết nhẹ nhàng hơn, thơ mộng hơn; hoặc anh đưa những câu ca dao được sưu tầm trên đất Bình Thuận của chúng ta, lan tỏa trong những bài ký của mình.
Tôi xin kết thúc bài viết này bằng một số câu thơ trong một bài thơ của anh, như để góp thêm lời rằng, anh đã rất nặng tình với quê hương, xứ sở:
“Làng ven sông Cà Ty
Tự thuở nào con đã nghe mẹ hát
“Ai về Đại Nẫm ăn xoài
Xuân Phong cốm nếp, Phú Tài mạch nha”.
Con sông Cà Ty
Mùa mưa thì nhỏ giọt phù sa
Lại mùa nắng nước triều lên mặn chát
Mà làng ven sông làm nên câu hát
Câu hát mọc lên từ cằn cỗi ruộng vườn
Chắt lọc cho đời vị ngọt quê hương
Như mẹ chắt cho con giọt sữa.
…
Tôi thơ thẩn đi lên rồi đi xuống
Con đường làng ra tận mãi bờ sông.
Tôi mở lòng ra với hương nội gió đồng
Đất chắt lọc cho nồng nàn tinh khiết.
Ở trong đất có một phần xương thịt
Tôi đọc câu thơ đã thành câu ca dao
Như mẹ tôi đã hát thuở nào
Ai về Xuân Phong – Đại Nẫm…”.
(Trích “Làng ven sông Cà Ty” - Đào Văn Chừ)
Dương Thế Thuật