Cô giáo Hồng Phượng với niềm đam mê ca hát
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 16:24, 03/01/2020
Phượng trong MV "Mưa bụi 2" |
Tâm huyết, gắn bó với nghề
Ra trường năm 2001 với tấm bằng khá, nhưng Phượng không chọn về trường gần nhà mà làm đơn đi xung kích ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam. Thời đó Thuận Quý là xã 135 vô cùng khó khăn chưa có đường nhựa, điện cũng chưa thông dụng trong dân. Trong đơn xin xung kích với thời hạn 3 năm, nhưng vì thấy các em học sinh ở đây nghèo lại chịu khó học nên Phượng không nỡ xa các em và ở đến tận 8 năm. Và cũng chính nơi đây, Phượng đã rèn luyện để đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm 2008. Năm 2009, Phượng được chuyển về gần nhà hơn, nhưng cũng đến Trường Tân Thuận 4 của thôn Hiệp Tân, xã Tân Thuận. Trường vừa thành lập, được tách ra từ 1 phân hiệu lẻ của Trường Thuận Nam 3. Học sinh là con em di cư từ Nghệ An vào nên cô càng thương các em hơn. Trường không có sân, không có cổng, không có phòng học, phải học nhờ nhà thờ. Trường cách nhà 11 km, dù điều kiện hết sức khó khăn, cô giáo Phượng vẫn gắn bó với trường thêm 5 năm. Trong 5 năm đó, Phượng là tổ trưởng tổ chuyên môn, đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2016, Phượng theo gia đình ra Tuy Phong lập nghiệp và lại một lần nữa, cô gắn bó với ngôi trường khó khăn nhất thị trấn, Trường tiểu học Liên Hương 5. Học sinh trường hầu hết là con em ngư dân, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Thương trò nghèo, Phượng tích cực làm từ thiện để giúp đỡ các em. Phượng vận động các mạnh thường quân góp vở, viết để phát thưởng cho học sinh vào cuối năm học 2018 - 2019. Giúp 2 học sinh Trinh và Quỳnh đi khám chữa mắt miễn phí. Bảo trợ cho bé Trinh khám và theo dõi mắt đến năm 18 tuổi sẽ mổ. Đầu năm học 2019 - 2020, Phượng vận động quyên góp xin được 20 suất đóng bảo hiểm y tế cho học sinh khó khăn của trường. Lâu lâu lại thấy Phượng đăng bài trên trang cá nhân của mình vận động giúp người nghèo bệnh đau, giúp các em học sinh nghèo. Phượng bảo: “Tết Nguyên đán năm nay, em sẽ tài trợ cho 3 học sinh nghèo nhận quà tết!”.
Bùi Thị Hồng Phượng. |
Với những gì đã đạt được, trong suy nghĩ “mình phải luôn phấn đấu và rèn luyện, hoàn thành tốt công việc, làm việc gì cũng phải có tâm” nên cô đã được kết nạp vào Đảng từ năm 2006. Từ đó đến nay, Phượng luôn trau dồi, phấn đấu, gương mẫu nghiên cứu, học tập để nâng cao kiến thức. Và mới đây nhất khi năm mới đang gần kề cô đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ chuyên ngành quản lý giáo dục.
Niềm đam mê ca hát
Ngoài công việc, Phượng có một niềm đam mê là ca hát. Từ nhỏ Phượng cứ như con chim họa mi suốt ngày véo von, yêu thích ca hát nên trong những buổi văn nghệ của trường từ lúc còn học sinh, đến khi là sinh viên đều không thể vắng bóng. Khi đi dạy học cô luôn tham gia tích cực vào những hoạt động văn hóa, nghệ thuật của địa phương lấy nghệ danh là Bảo Phương. Cô cộng tác với Trung tâm Văn hóa của huyện, diễn trong các chương trình tuyên truyền của huyện…
Bảo vệ luận văn thạc sĩ. |
Trong một lần Phượng đi học thạc sĩ quản lý giáo dục tại Đồng Nai, cô tình cờ gặp gỡ một bạn trong giới showbiz, thấy cô đam mê nghệ thuật nên người bạn đã động viên cô thử sức với nghề ca hát. “Bạn ấy đưa Phượng vào Sài Gòn thu và hỗ trợ làm MV đầu tiên “Một người đi”. Đó là MV bạn ấy quay bằng điện thoại di động và về tự mày mò dựng phim” - Phượng chia sẻ. Sau khi ra mắt MV đầu tiên và đăng lên mạng được bạn bè và mọi người ủng hộ Phượng tiếp tục và những lúc rảnh rỗi trong dịp hè, ngày nghỉ cô tiếp tục ra mắt thêm 9 MV ca nhạc bolero. “Em thích dòng nhạc này hợp với giọng em, cho tới giờ bolero vẫn có chỗ đứng riêng, có sự đồng điệu sâu sắc với nhiều tầng lớp khán giả. Với ca từ giản dị, giai điệu sâu lắng khiến nhạc bolero được nhiều người nghe và hát theo và em đến với bolero cũng như vậy” - Phượng tâm sự. Xem những MV do Phượng hát, nhất là MV “Mưa bụi 2” cô đã hát rất tự tin, chỉnh chu và với phong cách hoàn toàn mới mẻ, tự nhiên, chân thật như tấm lòng của mình. Với một giọng ca “ngoại đạo” như Phượng chưa hề được học qua trường lớp nhưng với niềm đam mê của mình cô đã tự học, học cách xử lý kỹ thuật, tự rèn luyện để ra được những MV ca nhạc như thế là nỗ lực lắm rồi.
Dù đam mê ca hát, nhưng với Phượng nghề chính vẫn là dạy học, bởi cái nghề đã ngấm vào máu thịt, yêu nghề, yêu lũ học trò nhỏ hàng ngày cô tiếp xúc giảng dạy và thỉnh thoảng còn hát cho bọn trẻ nghe như một cái “duyên”. Thời gian đến Phượng còn nhiều ý tưởng dang dở và “em cứ để tự nhiên chị ạ, nhưng phải đợi đến hè mới có thời gian làm được” trước vài lời mời tham gia đóng phim.
Vũ Hà