Phan Chính tiếp tục hành trình “tìm lại dấu xưa”
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 16:11, 07/02/2020
“Bình Thuận - tìm lại dấu xưa” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản, sách dày 200 trang được trình bày đẹp, dễ xem, với ảnh bìa là tấm ảnh khá ý nghĩa về nghề biển xưa ở Bình Thuận của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Đình Cường. Nội dung sách bao gồm 22 bài viết về đất và người Bình Thuận, trong đó hầu hết đã được báo Bình Thuận Cuối tuần giới thiệu với độc giả. “Bình Thuận - tìm lại dấu xưa” không phải là cuốn sách tập hợp những bài báo đơn thuần, mà là một tập hợp tư liệu quý đối với những ai yêu thích nghiên cứu về địa danh, về phong tục tập quán, về văn hóa Fonklo, về lịch sử hình thành và phát triển của Bình Thuận. Cuốn sách này cũng nên có tại các thư viện, nhất là ở thư viện của các trường học trong tỉnh, để giúp cho học sinh có thêm kiến thức về văn hóa - lịch sử của vùng đất mà mình được sinh ra và lớn lên.
Như lời tự sự của tác giả cho thấy việc nghiên cứu về vùng đất này không dễ nhưng rất hấp dẫn và nhiều ý nghĩa: “…Vùng đất Bình Thuận này đã trên 300 năm, rất khó định hình một cách chân xác về diện mạo của Bình Thuận xưa. Nhưng nếu dõi theo bước chân lưu dân mở đất, bản sắc văn hóa tộc người hay những địa danh đổi dời qua các biến cố vẫn cảm nhận được cái hồn thiêng của nguồn cội. Qua nhiều nguồn tư liệu và bằng nhãn quan “dân dã”, tác giả mong góp một phần nhỏ cho cuộc hành trình chung đầy thú vị và nhọc nhằn này…”.
Nhiều bài viết của tác giả khá công phu trong sưu tầm tư liệu hoặc phải đi điền dã theo trường phái dân tộc học. Nhiều bài viết là những đề tài có thể phát triển thành những luận văn cử nhân, thạc sĩ… cho các ngành thuộc khoa học xã hội và nhân văn. Nhiều bài viết có thể tham khảo để phát triển thành đề tài khoa học của một cá nhân hay của tập thể.
Trong 22 bài viết trong “Bình Thuận- tìm lại dấu xưa” phần lớn là những bài khảo cứu, lược khảo về địa danh như: “Địa danh Bình Tuy”, “Về địa danh Mường Mán hay Mương Mán”, “Vài địa danh xưa nay của Bình Thuận”, “Có nhiều địa danh chỉ còn trong ký ức”, “Phan Lý xưa, Phan Rí Cửa nay”, “Núi Cẩm Kê Mũi Kê Gà”… Ngoài ra còn nhiều bài viết về lịch sử mở đất, mở làng “tiền hiền khai cơ, hậu hiền khai khẩn” công phu với nguồn tư liệu khá phong phú, như: “Bình Thuận - Trong hành trình mở đất”, “Đường cái quan qua đất Bình Thuận”, “Dấu xưa Tuy Phong”, “Trở lại vùng đất xưa Tánh Linh”, “La Gi đất cực Nam Trung bộ”, “Người Chăm trên đất Tuy Phong”… Ngoài ra còn nhiều bài viết, khảo cứu về văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng của người dân địa phương, như: “Tín ngưỡng thần linh xứ biển”, “Nếp sống và tín ngưỡng người Hoa Phan Thiết”, “Con heo lễ vật cúng tế miền biển”, “Tục thờ cúng ông Nam Hải”, “Bản sắc Việt trong lễ hội Hòn Bà”…
22 bài viết trong “Bình Thuận -tìm lại dấu xưa” là 22 tiểu luận về lịch sử, văn hóa địa phương với nguồn tư liệu khá phong phú và đa chiều mà tác giả đã tốn nhiều công sức sưu tầm, khảo cứu để giới thiệu đến độc giả. Như chính ông đã tâm sự: “…Qua nhiều nguồn tư liệu và bằng nhãn quan “dân dã”, tác giả mong góp một phần nhỏ cho cuộc hành trình chung đầy thú vị và nhọc nhằn này…”. Mặc dù nhà nghiên cứu Phan Chính khá khiêm tốn chỉ tự nhận mình đóng góp một phần nhỏ, thế nhưng thực tế những đóng góp của ông không nhỏ chút nào trong công tác nghiên cứu văn hóa, lịch sử, địa chí của tỉnh nhà. Những công sức và thành quả của ông thật đáng trân trọng!
Huỳnh Thanh