Nghĩa Trủng Từ trong đời sống tâm linh của người dân
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:38, 31/03/2020
Ông Trần Văn Đáng – Phó làng Nghĩa Trủng Từ, năm nay đã ngoài 80 tuổi kể lại: Theo quan niệm dân gian, trên mảnh đất sinh sống của mỗi làng quê thường có sự hiện diện của những linh hồn không nơi nương tựa. Họ bị chết bởi nhiều lý do khác nhau như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh… mà không được người thân hay biết. Thờ cúng âm hồn, cô hồn cũng là đạo lý xưa nay của người Việt, thể hiện sự cảm thông sâu sắc của người đang sống đối với những thân phận bất hạnh đã khuất. Thêm nữa, mảnh đất Hòa Đa xưa kia vốn giàu truyền thống, là trung tâm chính trị, văn hóa nổi tiếng. Đây cũng từng xảy ra các cuộc giao tranh trong thời kỳ mở nước về phía Nam của các chúa Nguyễn. Lịch sử đã ghi lại, trước đây người dân sống tại các làng gần sông Lũy từng đối mặt với thiên tai, dịch bệnh làm dân cư suy tán, chết nhiều. Tại làng Kỳ Xuyên đã xảy ra bệnh dịch tả, khiến nhiều người không qua khỏi. Ngoài ra, trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, biết bao dân thường vô tội, binh lính tử nạn trên đất này.
Tại miếu Nghĩa Trủng hiện còn lưu giữ bức hoành phi khắc ghi 3 chữ Hán Nôm cổ có nội dung “Nghĩa Trủng Từ” do Tri huyện, huyện Hòa Đa phụng tạo vào mùa xuân năm Ất Tỵ, niên hiệu Thành Thái (1905), được bài trí trang trọng tại chính điện. Đến nay di tích còn bảo lưu khá nguyên vẹn công trình kiến trúc dân gian của thế kỷ XIX và lưu giữ nhiều di vật có giá trị. Tiêu biểu là 9 sắc phong của các đời vua nhà Nguyễn (Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định) phong tặng cho các vị thần Bổn cảnh Thành hoàng, Quan Thánh đế quân, Đại càn Quốc gia Nam hải tứ vị Thánh nương và Thiên Y A Na, cùng nhiều câu đối, hoành phi khắc ghi trên gỗ.
Ông Đáng thông tin thêm: Hàng năm tại di tích diễn ra 2 kỳ lễ chính là lễ tế vào tiết thanh minh, cộng đồng tổ chức cúng tế heo sống, tụng kinh và lễ cầu siêu bạt độ vào rằm tháng bảy. Ngoài ra vào các dịp rằm lớn (tháng giêng, tháng 10) cúng hoa quả, bánh trái cho hương linh những người đã khuất. Ngoài ý thức giữ gìn các di vật cổ, người dân còn tự nguyện đóng góp để sửa sang di tích sau mỗi đợt cúng lễ. Và tin rằng, chút hương khói là lòng thành tri ân tiền hiền, những người đã khuất, để người dân có cuộc sống vật chất ngày càng đủ đầy như hôm nay. Qua đó còn giáo dục thế hệ trẻ hướng về cội nguồn, kế thừa đạo lý của người Việt Nam nói chung và nhân dân địa phương nói riêng.
Nghĩa Trủng Từ còn lưu lại nhiều hiện vật, sắc phong do các nhà vua triều Nguyễn ban. |
Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Chí Phú cho biết: Dưới thời phong kiến nhà Nguyễn, tín ngưỡng thờ cúng những người có công trong việc khẩn hoang mở đất, lập làng và người dân hy sinh trong chiến tranh, chết không nơi nương tựa không ngừng được bồi đắp và duy trì trong suốt chiều dài lịch sử. Liên tiếp các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều ra các chỉ dụ cho quan dân địa phương cả nước chú trọng đến tục thờ cúng trên. Vào thời Minh Mạng, nhà vua cho lập đàn tế âm hồn và chu cấp tiền bạc, vật phẩm hàng năm để các địa phương từ kinh thành cho đến các trấn Gia Định, Bình Thuận, Phú Yên... chăm lo việc tế lễ. Đến thời vua Tự Đức, việc làm này cũng được Nguyễn Thông nói rõ trong bài Nghĩa Trủng Phú: “Vào năm Tự Đức thứ 18 (1865), nhà vua có lệnh sai tất cả các quan lập Nghĩa Trủng, kiểm tra thu nhặt hài cốt các mồ hoang táng một chỗ, hàng năm đến tháng 2 thì ban tế 1 lần”.
Toàn tỉnh hiện có 11 miếu Thanh Minh còn giữ được khá nguyên vẹn nét kiến trúc xưa và các hiện vật lưu lại như khám thờ, hoành phi, câu đối, hương án…Nhiều miếu đã được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh, trong đó Nghĩa Trủng Từ được trao bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2018.
Thùy Linh