Bộ Lao động tiếp tục đề xuất nâng độ tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ

Đời sống - Ngày đăng : 15:07, 04/03/2016

Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục có đề án, theo đó, số lao động nữ làm việc trong những điều kiện thuận lợi sẽ được nghỉ hưu bằng độ tuổi nam giới.

Tại buổi “Đối thoại chính sách về Bình đẳng giới” do Liên Hợp Quốc và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 4/3 tại Hà Nội, trả lời câu hỏi của đại biểu về quan điểm của mình về tuổi nghỉ hưu của phụ nữ Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết sẽ có đề xuất hướng tới bình đẳng nam – nữ trong độ tuổi nghỉ hưu.

                
      
         Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về lao động, cũng như là cơ quan trình Bộ luật Lao động, trong đó có quy định về độ tuổi nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm, Bộ đã đề nghị đối với phụ nữ có tuổi nghỉ hưu như nam giới, trừ những nhóm phụ nữ ở những hoàn cảnh cụ thể, đặc biệt thì có thể được quyền nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn khoảng 5 tuổi.

Tuy nhiên, theo ý kiến chung tại Việt Nam nên Quốc hội đã quyết định như hiện nay. Nhưng những vấn đề trước mắt để giải quyết đối với số nữ làm việc trong những điều kiện thuận lợi như ở cơ quan hành chính, sự nghiệp… Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục có đề án để trình. Theo đó, số lao động nữ này sẽ được nghỉ hưu bằng độ tuổi nam giới ở độ tuổi 60.

“Tôi hy vọng nhiệm kỳ tới đây, những vấn đề này sẽ được bàn thảo trong Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan liên quan. Mức độ thực hiện như thế nào sẽ ở những giai đoạn tiếp theo. Thực chất một số chị em nữ ở môi trường nặng nhọc, độc hại hoặc ở điều kiện khó khăn thì có nhu cầu nghỉ hưu sớm ở tuổi 55. Tôi nghĩ rằng, Luật cho phép được đó là ưu tiên, phần còn lại được nghỉ bình đẳng về tuổi như nam giới. Đây là xu hướng chúng tôi sẽ nghiên cứu tới đây” – bà Phạm Thị Hải Chuyền nói.

Tại diễn đàn, ông Vũ Ngọc Bình, Viện Dân số - Gia đình – Trẻ em cho rằng, trong chương trình quốc gia, các hành động quốc gia, báo cáo thiên niên kỷ và thực hiện các mục tiêu phát triển sắp tới hầu như “trống”, không “phủ sóng” tới nhóm phụ nữ cao tuổi.

Việt Nam là một quốc gia già hóa dân số, có tốc độ già hóa nhanh nhất châu Á. Hiện nay số người cao tuổi hơn 10%, đa số là phụ nữ. Các cụ bà ở Việt Nam phần đông vẫn phải lao động, phục vụ con cháu, phụ vụ các cụ ông, không có bảo hiểm. Trong cuộc sống, các cụ bà gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, thậm chí bị phân biệt đối xử về mặt tuổi tác.

Ông Vũ Ngọc Bình nhấn mạnh: “Trong những chương trình hành động, hình như chúng ta chỉ chú ý tới nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và trẻ em gái. Còn phụ nữ từ 60 tuổi trở lên, trong các chính sách chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, cần quan tâm hơn nữa tới nữ giới cao tuổi”.

Ý kiến này được Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đánh giá cao và ghi nhận.

Lại Thìn/VOV