Bệnh lao: Dễ lây nhưng đừng quá sợ

Đời sống - Ngày đăng : 16:24, 24/03/2016

 BTO- Khi vào Bệnh viện Lao & Bệnh phổi Bình Thuận, bệnh nhân và người nhà được nhắc nhở đeo khẩu trang y tế. Lý do: vi trùng lao lây qua đường không khí. Lao có nhiều thể bệnh, lao phổi là thể gặp nhiều nhất, dân gian quen gọi là "ho lao". Khi người bệnh lao phổi ho, hắt hơi hay khạc nhổ, họ đã phát tán vi khuẩn lao vào không khí. Một người chỉ cần hít phải một lượng nhỏ vi khuẩn lao cũng sẽ nhiễm lao. Một người bị bệnh lao có thể gây nhiễm vi khuẩn lao cho khoảng 10 – 15 người mỗi năm thông qua các hoạt động giao tiếp hàng ngày. Và đương nhiên, nếu không phát hiện và điều trị sớm thì con số ấy sẽ tăng theo cấp số nhân.
                
      Theo dõi thể trạng bệnh nhân tại Khoa Lao BV Lao & Bệnh phổi Bình    Thuận

 Chính vì yếu tố dễ lây nên sự kỳ thị bệnh nhân lao vẫn cứ tồn tại. Đây là nguyên nhân chính làm cho bệnh nhân lao mặc cảm, giấu bệnh và là nguồn lây tiềm ẩn, với mức độ không thể kiểm soát. Đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Thuận trong giờ thăm nuôi có thể thấy lượng xe và người ra vào tương đối ít, điều này khác hẳn với các bệnh viện khác trong tỉnh.

Nỗi cô đơn khi có bệnh

Bệnh nhân Hoàng Ngọc T. (42 tuổi, Xuân An, Phan Thiết) nhìn xa xăm với đôi mắt buồn: "Khi biết tui mắc bệnh, mọi người xung quanh rất sợ gặp và nói chuyện. Nằm viện hơn hai tuần, người nhà cũng rất ít khi vào thăm. Tui có muốn vầy đâu". Nằm cùng phòng bệnh với ông T., một số bệnh nhân khác cũng tâm sự rằng thân nhân của họ rất ít khi thăm nuôi. Chị Phạm Thị A. (xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc) có chồng đang trong phòng khám nói: “Tôi rất lo lắng, sợ chồng mình bị mắc căn bệnh này bởi phần vì sức khỏe của ông, phần cũng vì sợ trong gia đình có một người mắc rồi có thể thành viên khác cũng sẽ bị lây, hàng xóm không hiểu rồi họ sẽ xa lánh mình”. Có cô gái chuẩn bị kết hôn thì được phát hiện bị lao. Gia đình nhà chồng tương lai ra sức cấm cản. Một tổn thất nhân đôi vì những điều tưởng rằng ai cũng hiểu. Tất cả những bệnh nhân tôi gặp đều đề nghị đừng nêu tên thật của họ trên báo. Kỳ thị đối với bệnh nhân lao là có thật.

Giúp người bệnh là giúp mình

Cũng cần nói thêm rằng, đa số bệnh nhân lao là người lao động chân tay, đời sống vất vả. Sự chọn lựa giữa mưu sinh và điều trị dứt điểm bệnh lao luôn phải đắn đo. Vòng lẩn quẩn đói nghèo, bệnh tật cứ đeo đẳng họ. Sự giúp đỡ, tạo điều kiện để gia đình họ dễ dàng kiếm sống, hỗ trợ thêm vật chất không thôi chưa đủ mà cần có đồng cảm về tâm lý.

Bác sĩ CKII Lê Hồng Vũ (Phó Giám đốc Bệnh viện Lao & Bệnh phổi Bình Thuận) khẳng định: "Bệnh nhân lao chỉ cần được phát hiện bệnh kịp thời, được điều trị theo đúng phác đồ và thực hiện phòng bệnh theo hướng dẫn thì không phải quá lo lắng về vấn đề lây nhiễm. Tình yêu thương quan tâm, chăm sóc từ gia đình đối với người bệnh là điều cần thiết và rất quan trọng. Cộng đồng hãy hiểu và giúp đỡ họ để tinh thần người bệnh tốt lên thì điều trị bằng thuốc mới hiệu quả".

 Khoảng một phần ba dân số thế giới có lao tiềm tàng, có nghĩa là những người này đã nhiễm vi khuẩn lao nhưng chưa phát triển thành bệnh lao và cũng không gây lây lan bệnh lao sang người khác. Bạn có nghĩ rằng mình là một phần ba trong số đó? Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam thông tin, khoảng 10% những người đã nhiễm vi khuẩn lao có nguy cơ phát triển thành bệnh lao trong cuộc đời của họ. Tuy nhiên ở những người có suy giảm miễn dịch như người nhiễm HIV, suy dinh dưỡng, tiểu đường hoặc những người nghiện thuốc lá sẽ có nguy cơ bị bệnh lao cao hơn so với những người khác. "Bệnh lao không của riêng ai" là vậy.

Bạn không phải là thầy thuốc chuyên khoa lao, bạn không phải nhà quản lý công tác y tế hoặc trực tiếp theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân lao thì có liên quan gì không? Có đấy. Chỉ cần bạn hiểu rõ cách phòng bệnh và chứng tỏ sự hiểu biết ấy bằng thái độ tích cực. Kỳ thị, xa lánh bệnh nhân lao càng làm cho tốc độ lây lan nhanh hơn, nhiều hơn.Cộng đồng cần nhìn nhận đúng đắn là giúp một người chữa khỏi bệnh lao là giảm nguy cơ mắc lao cho mình.

    
    Tổng   số bệnh nhân lao đang quản điều trị trên địa bàn tỉnh xấp xỉ 1.000 bệnh   nhân. Trong đó có khoảng 500 bệnh nhân có vi trùng. Ước tính, có khoảng   20%  bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị. Hằng   năm, Bình Thuận phát hiện trên dưới 30 bệnh nhân lao kháng thuốc (chiếm   2% trong tổng số bệnh nhân đang điều trị và 3% tổng số bệnh nhân lao   phổi). Điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc rất tốn kém về kinh phí cũng   như thời gian và hiệu quả điều trị chỉ đạt 70% điều trị lành bệnh lao   đơn thuần.

HỒNG THẠNH