Xã vùng cao Phan Lâm: Nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số

Đời sống - Ngày đăng : 08:07, 04/04/2016

BT- Kể từ khi chuyển về khu tái định cư, người dân Phan Lâm (Bắc Bình) không còn lo “cái nhà” nữa mà họ tập trung phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thực tế qua nhận khoán bảo vệ rừng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình mới vào sản xuất nông nghiệp… hàng năm thu nhập của người dân tăng đáng kể.
                
Người dân thu hoạch mì cao sản.

Thực hiện nhiều mô hình sản xuất

Phan Lâm là xã vùng cao của huyện Bắc Bình nằm giáp ranh tỉnh Lâm Đồng với dân số 2.647 người (679 hộ) gồm 8 dân tộc cùng sinh sống, trong đó phần lớn là người dân tộc Rắc Lây, K’ho. Để tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ổn định, những năm qua UBND xã Phan Lâm phối hợp với hai Ban quản lý rừng phòng hộ Cà Giây và Sông Lũy đã ký kết hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng với 168 hộ bảo vệ 6.720 ha rừng vùng giáp ranh. Từ đó, đã góp phần ngăn chặn, hạn chế nạn phá rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép; rừng đầu nguồn được quản lý, bảo vệ tốt, vốn rừng ngày càng giàu thêm; diện tích rừng nghèo kiệt từng bước được phục hồi. Đồng thời, qua đó giúp đời sống người dân từng bước cải thiện, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt là nhận thức của đồng bào về trách nhiệm giữ rừng, bảo vệ rừng được nâng lên rõ rệt. Phần lớn các hộ nhận khoán không còn tư tưởng phá rừng làm rẫy; không bị lợi dụng hoặc tiếp tay cho đối tượng phá rừng. Trái lại, đồng bào giúp đơn vị chủ rừng kịp thời xử lý, ngăn chặn và trực tiếp bắt nhiều vụ phá rừng ở khu vực đầu nguồn, rừng giáp ranh trong và ngoài khu vực nhận khoán bảo vệ.

Ngoài công tác bảo vệ rừng, đồng bào các dân tộc xã Phan Lâm còn đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Hàng năm UBND xã đã hướng cho các hộ trồng những cây, con phù hợp, trồng đúng thời vụ và kỹ thuật nên năng suất các loại cây trồng tăng khá. Nổi bật là năm 2015 thực hiện chương trình khuyến nông 10 hộ đã trồng thí điểm mô hình trồng cây mít, nuôi gà thả vườn với kinh phí được Nhà nước hỗ trợ 100%, bước đầu có kết quả tốt và đang được nhân rộng; thực hiện mô hình trồng bắp lai cho 67 hộ nghèo, cận nghèo; triển khai mô hình chăn nuôi dê bách thảo cho 43 hộ nghèo. Hàng chục hộ dân đã chủ động chuyển đổi dần cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như: trồng bí, mì cao sản, dưa lấy hạt…Trong chăn nuôi các hộ tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, phối hợp với trạm y tế xã vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại. Nhờ vậy, trong năm 2015 tuy nắng hạn kéo dài; giá cả một số mặt hàng nông sản không ổn định; đầu tư phát triển hạ tầng còn hạn chế… nhưng cán bộ và nhân dân các dân tộc xã Phan Lâm đã hoàn thành phần lớn các chỉ tiêu đề ra như: Sản xuất lượng thực 5.494 tấn, đạt 100,1% kế hoạch năm và tăng 14 tấn so với năm 2014; thu ngân sách hơn 1.418 triệu đồng, đạt 810% kế hoạch; 100% trẻ 6 tuổi được huy động ra lớp 1; giải quyết việc làm cho 41 lao động, đạt 102% kế hoạch; giảm 9 hộ nghèo, đạt 100% kế hoạch…

 Khắc phục những hạn chế

Tuy hoạt động sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trong xã có những bước khởi sắc, song nhìn một cách toàn diện thì Phan Lâm vẫn còn nhiều hạn chế đó là: tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy, vận chuyển gỗ trái phép ở rừng đầu nguồn, vùng giáp ranh vẫn xảy ra. Trong nông nghiệp, đập tưới tiêu chưa bảo đảm dẫn đến thiếu nước sản xuất tại nhiều khu vực, từ đó năng suất một số loại cây trồng đạt thấp; an sinh xã hội chưa bảo đảm, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo còn thiếu đất sản xuất chưa được bố trí kịp thời; tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai ở một số khu vực sản xuất chưa giải quyết dứt điểm; khai thác khoáng sản (cát xây dựng) trái phép còn diễn ra theo dọc sông Ly…

Năm 2016, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Phan Lâm phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân trong xã thì cần có sự hỗ trợ của các ngành, các cấp để giải quyết những khó khăn, thách thức. Theo ông K’Tâm, Chủ tịch UBND xã Phan Lâm thì vấn đề bức xúc mà xã đề xuất và kiến nghị hiện nay là: UBND huyện Bắc Bình quan tâm triển khai công trình tiếp nước sinh hoạt cho 2 xã Phan Lâm và Phan Sơn gắn với nhu cầu phục vụ nước tưới tiêu sản xuất nông nghiệp thuộc cánh đồng Hố Khỉ, Suối Mắm với diện tích khoảng 200 ha. Hiện nay, cánh đồng này còn phụ thuộc vào nước trời là chính, công trình đang thi công dở dang do tỉnh, huyện chưa có nguồn vốn đầu tư. Mặt khác, huyện Bắc Bình sớm phân khai nguồn vốn đã phê duyệt để hỗ trợ đền bù cho các hộ dân bị thu hồi đất tại khu nghĩa địa để họ có điều kiện đầu tư, ổn định sản xuất, đời sống.

Lê Thanh