Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận- Đa Mi: Ứng phó với Elnino, bảo vệ rừng
Đời sống - Ngày đăng : 08:09, 15/04/2016
Tất cả những điều nói trên tạo nên sự phức tạp trong quản lý, cũng như chỉ cần một chút sơ sảy là xảy ra cháy rừng, mất đất rừng và dĩ nhiên không tránh khỏi tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, đặc biệt là khi dân di cư tự do vẫn tiếp tục đến vùng rừng phía Tây - Bắc của Hàm Thuận Bắc, trong đó có xã Đa Mi. Chính từ đó, BQL RPH quyết tâm xây dựng cho được một phương án phòng chống cháy, bảo vệ rừng thật hiệu quả. Đầu mùa khô cả Ban dồn sức kiểm tra, tu sửa các bảng cấm lửa, cảnh báo tại các trọng điểm dễ xảy ra cháy; thực hiện đốt chần hàng ngàn mét chiều dài, và khoảng 4 m chiều rộng tại các cánh rừng dễ cháy; củng cố lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) của đơn vị và của 480 hộ nhận khoán bảo vệ rừng; thành lập các tổ ứng cứu, tổ ứng trực tại 5 trạm bảo vệ rừng. Trong suốt mùa khô, mỗi ngày 5 trạm đều cử người lùng rừng kiểm tra kịp thời phát hiện nguy cơ cháy. Không những thế, phương án bảo vệ rừng còn giả định các tình huống cháy để thực tập, vì vậy khi xảy ra cháy các bộ phận cứ theo đó mà thực hiện. Riêng năm nay, dự báo mùa khô đến sớm, Ban yêu cầu các tổ cơ động, các trạm QLBVR tuần tra, kiểm soát chặt chẽ những nơi có dân di cư tự do, các trọng điểm cháy, các con đường dân sinh gần nơi ở của đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như chuẩn bị các phương tiện phòng chống cháy, phương tiện cơ động, rà soát lại các phương án hiệp đồng chữa cháy với 3 lực lượng là: BQL RPH, địa phương nơi có rừng và lực lượng phòng cháy của hộ nhận khoán bảo vệ rừng, theo phương châm 4 tại chỗ. Ngoài ra, còn hiệp đồng chữa cháy với 2 xã giáp ranh là Lộc Nam, Sơn Điền của Lâm Đồng, cũng như đề nghị đơn vị bạn xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm luật bảo vệ tài nguyên rừng. Nhờ áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp nên từ 16/3/2016 đến nay, mặc dù toàn bộ diện tích rừng ở trong trạng thái dễ cháy lớn, song các đám cháy ngay khi vừa phát sinh đều được dập tắt. Tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp do được xử lý nghiêm cũng giảm hẳn. Tuy nhiên, BQLRPH cũng nhận thấy: Một số thành viên trong Ban chỉ huy BVR – PCCCR đôi lúc chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc lực lượng trực PCCCR ở các trạm, chốt; còn có trường hợp chậm phát hiện một số vụ cháy trên lâm phận. Đối với lực lượng PCCCR do xã thành lập, việc huy động lực lượng này tham gia phối hợp chữa cháy có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu do tiền công chữa cháy rừng theo quy định quá thấp so với tiền công lao động thực tế tại địa phương.
Trở lại câu chuyện mùa khô còn kéo dài, đặc biệt là ảnh hưởng của Elnino, sẽ làm tăng nguy cơ cháy rừng, Trưởng ban BQL RPH Hàm Thuận - Đa Mi cho biết: Toàn bộ Ban đều đã tăng cường trách nhiệm. Với những cố gắng vừa nêu, hy vọng kết quả bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng năm 2016 sẽ tốt hơn năm trước.
Văn Thanh