Phần mềm quản lý khám chữa bệnh: “Chập chờn”, phải ghi tay!
Đời sống - Ngày đăng : 09:08, 13/06/2016
Cơ sở hạ tầng thiếu và yếu
Phó phòng khám đa khoa khu vực Tân Thuận (Hàm Thuận Nam), Nguyễn Thị Thương cho biết: “Tại phòng khám có 3 máy vi tính, chỉ có 1 máy sử dụng được dùng để đánh văn bản, nhập số liệu bệnh nhân khám… 2 máy còn lại quá cũ kỹ không thể sử dụng được. Máy móc như thế khó mà chạy được phần mềm quản lý khám chữa bệnh. Hiện nay, phần mềm cũng chưa được cài đặt ở phòng khám”.
Tương tự, theo bác sĩ Cao Thị Bông – Trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam), cho biết cấu hình máy tính quá yếu, khi cài đặt phần mềm vào, máy chạy không nổi. Kết hợp đường truyền internet thì “chập chờn” do sử dụng cáp đồng, chưa kể thường xuyên bị cắt điện. Vì vậy, dù đã cài đặt phần mềm, nhưng nhân viên y tế vẫn làm thủ công bằng tay.
Ông Nguyễn Thanh Kiệt – Chánh Văn phòng Sở Y tế thừa nhận: “Cơ sở hạ tầng các trạm y tế xã, phường còn thiếu và không đảm bảo. Chẳng hạn đường truyền thì yếu, máy tính, máy in thì không đảm bảo cấu hình…”. Được biết, toàn tỉnh có 57 trạm y tế, phòng khám sử dụng đường truyền cáp đồng, chủ yếu các trạm ở huyện Hàm Thuận Nam, Phú Quý, Đức Linh, Tánh Linh…
Phần mềm “chập chờn”
“Phần mềm quản lý khám chữa bệnh được cài đặt tại trạm hơn tháng nay, nhưng không ổn định, thao tác phần mềm nội trú dài dòng. Phần mềm chưa hoàn chỉnh, làm bệnh nhân phải chờ đợi lâu. Cứ mỗi bệnh nhân mất khoảng 15 phút cho việc chẩn đoán, nhập dữ liệu kê đơn thuốc, vì phần mềm thường xuyên báo lỗi. Mỗi buổi chỉ khám được khoảng 40 bệnh nhân. Trước đây, chúng tôi có thể khám từ 50 – 70 bệnh nhân/buổi”, bác sĩ Thông Thanh Lý – Trưởng phòng khám đa khoa khu vực Đông Giang cho hay.
Tương tự,trưởng phòng khám đa khoa khu vực Phú Long (Hàm Thuận Bắc), Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) cho rằng triển khai ứng dụng các phần mềm như thu thập số liệu, báo cáo; khả năng đáp ứng công tác chuyên môn phức tạp, khó thao tác, số liệu không lấy được. Có phần mềm vẫn phải ghi tay. Chẳng hạn, khi nhập dữ liệu vào chờ máy chạy mất 3 -4 phút, thì máy báo lỗi cho rằng bệnh nhân này đang điều trị nội trú tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Thực tế, bệnh nhân đã ra viện cách đó 1 tuần và có giấy xuất viện…
Mới đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh gửi văn bản đến Sở Y tế phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng phần mềm và kiến nghị giải quyết dứt điểm những vướng mắc đó.
“Vừa làm vừa hoàn thiện”
Trạm y tế do Trung tâm y tế quản lý, song nguồn kinh phí của các trung tâm có hạn. Nếu cơ sở hạ tầng các trạm y tế xã, phường còn thiếu và không đảm bảo như đường truyền internet, máy tính, máy in, thì sở có văn bản đề nghị các trung tâm sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp để trang bị cho các trạm y tế. Nếu đơn vị nào quá khó khăn không có nguồn nào để mua sắm thiết bị trên, thì sở sẽ có phương án khác. Đó là cách tháo gỡ đầu tư trang thiết bị cho việc cài đặt phần mềm mà ông Kiệt cho biết
Cũng theo ông Kiệt, Bộ Y tế giao VNPT cài đặt phần mềm quản lý khám chữa bệnh tại Bình Thuận với thời gian thực hiện quá gấp. trong quá trình sử dụng phần mềm, còn nhiều vướng mắc do lỗi của phần mềm, gây khó khăn cho các đơn vị. Vì vậy, Sở Y tế phối hợp VNPT chi nhánh Bình Thuận thiết lập đường dây nóng để giải quyết các lỗi xảy ra khi đang thực hiện. Đây là cách vừa làm vừa hoàn thiện.
Theo VNPT Bình Thuận, tính đến 31/5/2016, đa số các cơ sở khám chữa bệnh đã được triển khai cài đặt phần mềm quản lý khám chữa bệnh (VNPT-HIS). Tuy nhiên, có một số đơn vị chưa triển khai cài đặt phần mềm, gồm Bệnh viện khu vực Nam Bình Thuận, Bắc Bình Thuận và La Gi, Bệnh viện huyện Tánh Linh, các cơ sở khám chữa bệnh tại huyện đảo Phú Quý. Dự kiến ngày 15/6/2016, các cơ sở trên sẽ được hoàn thành công việc này. |
Trang Minh