Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh: Nỗ lực ứng phó, khắc phục thiếu nước sinh hoạt

Đời sống - Ngày đăng : 10:34, 30/06/2016

BT- Nhờ những cơn mưa quý giá từ cuối tháng 5/2016 đến nay, “đại hạn” thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã được “hóa giải”. Thời điểm này, nguồn nước sinh hoạt, sản xuất đã được cải thiện, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng khiến các hộ dân đều rất phấn khởi. Trong sự nỗ lực chống hạn vừa qua, không thể không nhắc tới các giải pháp mà Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (trung tâm) đã triển khai…
                
Hệ thống xử lý nước ở Tuy Phong. Ảnh: Đ.Hòa

Từ những khó khăn

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 60 công trình cấp nước tập trung (CTCN) với tổng công suất thiết kế 129.655 m3/ngày đêm. Riêng khu vực nông thôn có 55 CTCN với tổng công suất trên 54.000 m3/ngày đêm. Mùa khô năm 2016, do hiện tượng El Nino kéo dài, nắng hạn diễn ra gay gắt khiến nhiều địa phương, nhân dân bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Đặc biệt, trong số 37 CTCN do trung tâm quản lý đã có 5 nhà máy nước phải ngưng hoạt động hoàn toàn do cạn kiệt nguồn nước thô; 13 nhà máy nước phải giảm sông suất cấp nước, chỉ đáp ứng 40 - 70% nhu cầu sử dụng nước của nhân dân, nhưnhà máy nước Hồng Thái, Hồng Phong (Bắc Bình)… Theo ông Lý Hữu Phước - Giám đốc Trung tâmnước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, nguyên nhân gây thiếu hụt nguồn nước cấp sinh hoạt, ngoài yếu tố khách quan do hạn hán, còn có tình trạng tranh giành nguồn nước diễn ra gay gắt do sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp, nhất là tưới cây thanh long. Thậm chí, tại xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc), một số người dân còn đục phá tuyến ống nước thô của nhà máy nước để lấy nước tưới. Ngoài ra, nhiều khu vực dân cư trên địa bàn phục vụ của các CTCN nhưng chưa được đầu tư tuyến ống cấp nước nên gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Chẳng hạn các khu vực xã Hồng Liêm, Thuận Minh, Hàm Phú (Hàm Thuận Bắc); khu vực xã Tân Hải, Tân Tiến (La Gi)... 

Giải pháp ứng phó, khắc phục

Ngay từ đầu mùa khô 2015 - 2016, trung tâm đã dự báo tình hình và thực hiện công tác động viên, chỉ đạo lực lượng viên chức lao động tập trung ứng trực; thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức lực lượng tuần tra bảo vệ nguồn nước thô. Tìm mọi giải pháp để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho nhân dân. Trong điều kiện khó khăn về nguồn nước, thời gian qua trung tâm đã tập trung triển khai thi công hoàn thành các hạng mục CTCN trên địa bàn huyện Hàm Tân - địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do hạn hán năm 2016. Trong đó, tập trung thi công tuyến ống và trạm tăng áp Sơn Mỹ để bổ sung nguồn nước từnhà máy nước La Gi cho các xã Sơn Mỹ, Tân Thắng, Thắng Hải; nâng công suất nhà máy nước Tân Nghĩa; thi công trạm tăng áp Tân Nghĩa để bổ sung nguồn nước cho thị trấn Tân Minh và 2 xã Tân Phúc, Tân Đức… Theo đánh giá của trung tâm, các CTCN được đầu tư đã phát huy tác dụng, góp phần giải quyết kịp thời nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân các địa phương này vào thời điểm cuối mùa khô vừa qua. Bên cạnh đó, theo lãnh đạo trung tâm, hiện đơn vị đang tiếp tục triển khai khẩn trương để hoàn thành hồ sơ thiết kế, dự toán các CTCN khắc phục hạn hán trên địa bàn các xã thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, thị xã La Gi và TP. Phan Thiết.

Về giải pháp lâu dài, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho biết, đó là hạn chế sử dụng nguồn nước dưới đất cho các CTCN. Thay vào đó, chuyển sang sử dụng nguồn nước mặt từ các sông, suối lớn và các công trình thủy lợi. Ngoài ra, lựa chọn phương án đầu tư CTCN mới và nâng cấp, mở rộng các công trình hiện có. Thực hiện công tác đấu nối tuyến ống cấp nước giữa các CTCN trên địa bàn các huyện, thị liền kề để tạo mạng cấp nước liên thông; bổ sung nguồn nước lẫn nhau, trong trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật hoặc thiên tai. Qua đó, nhằm duy trì hoạt động cấp nước thường xuyên; hạn chế đến mức thấp nhất CTCN ngưng vận hành hoàn thành hoàn toàn, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập và sức khỏe của cộng đồng dân cư nông thôn…

KIỀU HẰng