“Nghiện” ớt chim La Gàn
Đời sống - Ngày đăng : 09:46, 08/08/2016
Từ loài cây hoang dại…
Theo lời kể của các cụ cao niên, không biết cây ớt này xuất hiện từ bao giờ ở vùng đất La Gàn. Sở dĩ nó có tên ớt chim hay ớt hiểm vì giống ớt này do chim ăn khắp nơi trong quá trình di cư, sinh sống, về nơi đây đậu trên cành cây thải ra, theo thời gian nảy mầm mọc lên và nó sống xen kẽ trong bóng râm vườn chanh, bụi chuối... Cũng như những loại sản vật khác, ớt chim tí hon mọc tự nhiên và riêng lẻ từng cây ở các vùng đồi núi, trên nương rẫy. Vì không có sự chăm sóc, bón phân nên thân cây chỉ cao khoảng 0,5 m và trái rất nhỏ, dài khoảng 1,2 cm đến 1,5 cm. Kể cũng lạ, ban đầu nhiều bà con nông dân coi cây ớt có tên lạ lẫm này chỉ để làm vui cho vườn rẫy. Còn giờ đây, cây ớt chim ở đây đang thực sự cho “trái ngọt”.
Tôi dừng chân tại quán Thùy Dương bên bãi biển Đồi Dương (Bình Thạnh) xinh đẹp, lân la hỏi mua trái ớt chim La Gàn thì được chủ quán cho biết thứ đặc sản này hiếm lắm, phải đặt hàng trước mới có. Theo chủ quán, người mua thì rất nhiều, trong đó có người ở Cần Thơ, Sài Gòn, Nha Trang, thậm chí cả ở Hà Nội… khi du lịch đến Tuy Phong. Vị cay lẫn hương thơm trái ớt chim là một thứ gia vị khiến người ta “nghiện”. Về Bình Thạnh tắm biển, thưởng thức các đặc sản biển như sò, mực, ghẹ, tôm cùng với đĩa muối tiêu chanh, dằm vào vài trái ớt chim, để cạnh đĩa rau răm, nhâm nhi cùng ly bia, và cảm nhận vị cay nồng. Tiếng lành đồn xa, và theo quy luật của tự nhiên, trái ớt dân dã, bằng những mùi vị đặc trưng đã khẳng định được vị thế, chuyển mình thành đặc sản...
Nói về lý do vì sao ớt chim tí hon có giá cao nhưng người dân nơi đây lại không trồng từng đám như các loại ớt khác, ông Trần Văn Sơn - một lão nông giải thích: Nếu đem gieo trồng loại ớt này tập trung thành từng đám thì cây ớt sẽ không tận hưởng hết “cái bổ” dưới đất, trái ớt hái về sẽ không còn ngon như để mọc tự nhiên. Ông Sơn cho biết, xứ La Gàn có địa thế “trên sơn, dưới thủy”, đất đai tốt tươi, khí hậu ôn hòa nên các loài cây trái như chuối, chanh, mận, sabuchê... có trái to, căng tròn. Riêng trái ớt chim tuy trái nhỏ có vị cay cấp thời như “lửa rơm” nhưng có mùi thơm đặc biệt, để lâu không hỏng. Chính điều đó tạo nên sự khác biệt của trái ớt chim vùng đất La Gàn. Ớt chim là một món ăn không thể thiếu, luôn hiện diện trong mâm cơm gia đình hay tiệc tùng, cưới hỏi của người dân Tuy Phong.
… trở thành đặc sản và cây kinh tế
Do ớt chim giá cao, nên ngoài số mọc tự nhiên, bà con còn mang hạt về trồng rải rác xung quanh vườn nhà, nương rẫy, hộ trồng nhiều từ 500 - 700 cây. Không biết do “đất êm” hay cây ớt “thương” người tảo tần mà luôn ra hoa và dày trái, nhân lên hy vọng cho người dân nơi đây. Ớt chim trái khá nhỏ nên để thu hoạch được 1 kg ớt, người nông dân phải mất khá nhiều công sức và thời gian. Trái ớt hiểm này dù đắt nhất trong các loại ớt, nhưng nó cũng không có mặt thường xuyên tại các chợ bởi đã được “tuyển thẳng” vào nhà hàng, quán ăn. Thường 1 kg ớt tươi có giá 400.000 đồng, nhưng vào thời điểm lễ tết, giá tăng lên tới 500.000 - 600.000 đồng. Ông Trần Văn Sơn nói thêm: “Tôi nhẩm tính, chỉ cần giá ớt giữ cao như vậy trong khoảng 1 tháng thôi là nông dân đã trúng đậm rồi. So với các loại rau màu khác, cây ớt chim mang lại hiệu quả kinh tế rất cao”.
Bà Hồ Thị Thu Thiên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh cho biết, Sở Khoa học và Công nghệ cùng với Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đang phối hợp với huyện Tuy Phong triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể ớt chim Bình Thạnh”. Đây là khởi động tích cực, giúp khẳng định vị thế và đưa cây ớt chim Bình Thạnh ngày càng tiến sâu vào thị trường, giữ vững thương hiệu cho cây ớt quý hiếm này.
MINH CHIẾN