Khu Lê - mùa dưa lấy hạt

Đời sống - Ngày đăng : 08:15, 25/08/2016

BT- Nói chuyện trồng dưa lấy hạt ở Khu Lê cứ ngỡ chỉ là ký ức một thời, ấy thế mà nghề truyền thống được lưu giữ và có dấu hiệu khôi phục. Song cuộc mưu sinh với nghề trên vùng đất cát còn những lo toan, nhọc nhằn…
                              
Kỹ thuật chiết hạt dưa vẫn còn thô sơ.
   
Anh Phong với mẻ dưa vừa gạn lấy hạt.

“Giọt” dưa

Mùa này, Hòa Thắng (Bắc Bình) đã có mưa. Mưa rải rác, lúc thì liên tiếp nhưng cũng không làm dịu bớt cái nắng hừng hực táp vào mặt. Hai bên đường, những trái dưa xanh mướt nằm lăn lóc trên nền đỏ gạch của cát. Vào tận rẫy dưa có thể nghe rõ tiếng lộp bộp của những quả dưa “nổ” bóc hạt. Cả đồi bãi mênh mông rộn ràng hơn ngày thường. Từng tốp, từng tốp khoảng chừng 3 đến 4 người tụ tập quanh đống dưa vừa gom lại gọn gàng. Người đạp dưa, người cặm cụi gạt vỏ dưa lõng bõng nước để gạn lấy hạt… “Ghé xem dưa cô ơi!” - tiếng một nông dân ở đám dưa gần đó. Trò chuyện, tôi được biết tên anh là Huỳnh Tấn Phong - một nông thâm niên khá lâu với nghề trồng dưa. Từ năm lên 10 tuổi, anh đã rành rọt từ việc cắt trái đến chiết hạt dưa. Cho tới khi lập gia đình, anh vẫn bám trụ vào cây dưa nuôi các con ăn học. Các anh em của anh Phong có người làm nghề biển, cũng có người ăn học làm cán bộ, giáo viên hẳn hoi. Nhưng rồi những ngày biển đói thuyền nằm bờ, ngày hè nắng khét họ lại về bên rẫy cát trồng dưa kiếm thêm thu nhập. Nếu được mùa một vụ dưa có thể bằng 10 vụ lúa, vì vậy năm nay anh Phong đánh liều thuê thêm 3 ha đất cộng thêm nhà có 2 ha đất để đầu tư trồng dưa hy vọng mùa này kiếm thêm chút đỉnh. Vậy mà từ độ thu hoạch đến nay sắp xong rẫy dưa nhưng giá hạt chỉ nhấp nhổm ở mức 21 ngàn đồng/kg. Anh Phong cũng như cả vùng dưa ai nấy mặt cứ buồn xo… Vừa trò chuyện, bàn tay anh Phong thoăn thoắt dùng cái rổ sàng lấy hạt dưa dưới một cái hố ngập nước, nơi hai thanh niên khỏe khoắn nhanh chân đạp dưa không ngưng nghỉ. Nhìn ai nấy tay chân rít nhặm, thỉnh thoảng cơn gió đi qua, mùi hôi chua từ nước và vỏ dưa xông lên rất đặc trưng.

Hầu hết vùng trồng dưa ở xã Hòa Thắng, Hồng Phong kỹ thuật canh tác, thu hoạch vẫn thủ công. Nông dân vẫn lấy hạt bằng cách đào một cái hố, lót bạt xuống. Sau đó, đổ dưa vào và thuê người đạp. Bên trên miệng hố có cắm cây sào vắt ngang làm điểm tựa để người đạp vịn tay lấy sức đạp cho nhanh, cho mạnh. Càng đạp, nước dưa ra càng nhiều, chỉ cần lọc lấy hạt sạch phơi nắng độ 1 ngày tại rẫy là bán được cho các thương lái. Thương lái thu mua là các đầu nậu cung ứng phân bón cho nông dân tại xã, họ thu gom rồi bán lại cho các lò rang ở thị trấn Lương Sơn và Phan Thiết.  Cái nghề trồng dưa trời nắng đã vậy, không may đến kỳ thu hoạch gặp vài cơn mưa liên tiếp, lúc ấy nông dân ra đồng chỉ nghe những quả dưa nổ lóc bóc, sau một ngày thì thối ung, coi như mất trắng. Mùa dưa lấy hạtkhu Lê làm tôi nghĩ đến loại hạt chiếm một vị trí đặc biệt trong mâm bánh trái đãi khách ngày tết. Ai cũng thích màu đỏ may mắn, cắn nghe tiếng tí tách vỡ hạt giòn tan lẫn trong câu chuyện đầu xuân. Có người còn ví hạt dưa như cách nối dài thêm những cuộc gặp gỡ mà ít ai để ý đến gốc gác của nó. Ẩn trong từng “giọt” dưa được gạn lấy còn chứa đựng biết bao mồ hôi của những nông phu đen nhẻm miệt mài bên rẫy cát khét nắng. 

Cây đặc sản ở vùng khó

Trồng dưa lấy hạt từ lâu là một mô hình canh nông có tính truyền thống. Vào những năm thập niên 90 ở Bắc Bình, đặc biệt vùng Khu Lê, 2 xã Hòa Thắng, Hồng Phong vốn là vùng trồng dưa lấy hạt nổi tiếng cả nước. Cứ vào độ tháng 5 dương lịch, khi mùa mưa bắt đầu cũng là lúc bước vào vụ dưa. Những dây dưa phủ xanh các nương cát cả chục ngàn ha. Đó là vụ chính, còn vụ muộn từ tháng 8 - 10, thu hoạch xong là bán ngay trong dịp tết. Tuy nhiên, từ sau vụ các lò rang sử dụng nguyên liệu hạt dưa Trung Quốc nhiễm chất Rhodamine B, hạt dưa mấy ngày giáp tết lập tức ngưng hẳn vì tiêu thụ ế ẩm. Thêm vào đó, do sản xuất thua lỗ, trong khi giá thành sản phẩm thì bấp bênh lệ thuộc vào lái buôn thường hay bị ép giá nên gần như nông dân đã quay lưng với cây trồng này. Từ đó đến nay nghề trồng dưa ngày càng thu hẹp chỉ còn vài trăm ha mỗi năm. Gần đây, khi nhu cầu hạt dưa ngày tết càng tăng nên giá hạt dưa thô (chưa sấy, rang, nhuộm) có lúc ở mức cao. Con số thống kê của Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh 2 năm gần đây cho thấy diện tích dưa lấy hạt đang khôi phục. Chỉ tính vụ hè thu 2016, toàn tỉnh có hơn 2.600 ha trồng dưa lấy hạt tập trung ở Bắc Bình với hơn 1.900 ha, còn lại rải rác ở Phan Thiết, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân.

 Đất khu Lê vốn là vùng khô hạn nhất nhì cả nước, đất cát nghèo kiệt cũng giống như cuộc sống những người dân vùng đất một thời đỏ lửa, cái nghèo vẫn còn đeo bám họ. Đứng bên cạnh tôi, anh Lê Thanh Chung – Phó chủ tịch UBND xã Hòa Thắng nhớ lại mùa dưa trước: “Thời điểm này năm ngoái cả xã sống trong vị ngọt của dưa khi giá thu mua hạt dưa thô ở mức 50 ngàn đồng 1 ký hạt. Nếu được giá,  ở vùng đất cát này trồng dưa có ăn hơn các cây trồng khác nên bà con bám trụ là vậy. Đến nay, diện tích dưa lấy hạt của xã 800 ha, nhưng năng suất hạt vẫn đạt thấp, từ 200 – 300kg/ha, đầu ra không ổn định”. Không phải đến bây giờ nông dân xã Hòa Thắng nói riêng và cả vùng Khu Lê mới biết đến sự bấp bênh của cây dưa, giá thu mua hạt thất thường. Năm trước được giá, năm sau lại mất giá, trong một mùa giá cũng có lúc cao, lúc thấp. Nhưng với tâm lý “ăn xổi ở thì” của nông dân thấy giá cao lại ồ ạt trồng. Nếu nơi đây vẫn chưa có sự tác động của khoa học kỹ thuật, thì nghề nông vẫn là một cuộc đánh cược may rủi với thời tiết, cây trồng, giá cả, nông dân rất dễ rơi vào cảnh trắng tay.

Làm gì để giúp dân?

Đem câu chuyện trồng dưa tôi đến gặp ông Phan Văn Thu – kỹ sư nông học - Phó Phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp - PTNT). Nói đến dưa lấy hạtkhu Lê, ông Thu ngồi nói chuyện tỉ mỉ như nhập tâm tự bao giờ. Đôi mắt ánh lên nỗi buồn, ông Thu trải lòng: “Nghề trồng dưa có lâu đời vậy, nhưng hiện nay công đoạn sơ chế hạt dưa của nông dân vẫn còn lạc hậu làm cho giá thành tăng cao, hạt dưa lại nhỏ không cạnh tranh được với hạt dưa ngoại nhập nên dễ bị ép giá. Mặt khác, hiện nay giống dưa lấy hạt nông dân sử dụng trồng đã thoái hóa, không được cải thiện lại trồng trên vùng đất cát kém dinh dưỡng nên năng suất đạt thấp”. Ông Thu cho rằng, diện tích dưa lấy hạt hiện nay đang khôi phục do tâm lý người tiêu dùng e ngại với hạt dưa Trung Quốc. Nhờ ưu điểm là đầu tư thấp, dưa lấy hạt phù hợp với một số vùng khó khăn, nhưng cái khó là dưa lấy hạt vẫn là cây trồng tự phát, giá trị kinh tế không cao. Vì vậy, thời gian tới cần phải tạo ra được giống mới để chuyển giao cho nông dân. Cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học, ngành nông nghiệp giúp nông dân đầu tư thâm canh tăng năng suất, phòng trừ sâu bệnh và lưu giữ giống tốt.

Những ngày này, người dân Khu Lê đang chờ đợi công trình cấp nước Lê Hồng Phong nối mạng đem nguồn nước mát về. Cùng với hệ thống thủy lợi, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, trồng cây chắn gió giữ mạch nước ngầm ở vùng này trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Bên cạnh cải thiện năng suất cây dưa, các nhà quản lý cần nghiên cứu các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế và có khả năng chống hạn. Đồng thời, kết hợp canh tác luân canh, xen canh thêm một số loại cây trồng khác phù hợp với thổ nhưỡng cát pha như mì, đậu phộng để nâng cao hiệu quả sản xuất giúp nông dân.

Chân bước trên nền cát đỏ, trải rộng trong tầm mắt một màu xanh của những rẫy dưa vươn mình trong nắng, gió. Tết này và nhiều cái tết sau nữa, hạt dưa Khu Lê lại được người dân quê mình cắn tí tách, giòn tan...  

    
    “Nếu được giá, ở vùng đất cát này trồng dưa có thu nhập cao hơn các cây   trồng khác nên bà con bám trụ là vậy. Đến nay, diện tích dưa lấy hạt của   riêng xã Hòa Thắng khoảng 800 ha, nhưng năng suất hạt vẫn đạt thấp, từ   200 – 300kg/ha, đầu ra không ổn định”, ông Lê Thanh Chung – Phó Chủ   tịch UBND xã Hòa Thắng nói.

Thanh Duyên