Làng nghề đá chẻ Phước Bình
Đời sống - Ngày đăng : 08:05, 07/10/2016
Thực ra nghề đập đá ở Phước Bình có từ rất lâu, vào những năm 1966 - 1970, những cái tên như Nguyễn Yển, Ba Riệng, Nguyễn Mạnh… một thời dọc ngang tay búa đã gắn liền với sự hình thành nghề đá của Phước Bình.
Nghề chẻ đá thời nào cũng vậy, cực kỳ nguy hiểm. Hồi ấy, sau lần ông Nguyễn Mạnh vào hầm nạy đá, bị đất sập đè chết, tay búa các cụ lơi dần, rồi lần lượt bỏ nghề chuyển qua làm nông nghiệp. Mấy chục năm, vào đầu những năm 1990, nghề chẻ đá lại được lớp con cháu phục hồi phát triển.
Ảnh minh họa. |
Thời điểm năm 1992 được coi mốc son của nghề đá chẻ ở Phước Bình. Có thể nói nhà nhà đi chẻ đá, người người đi chẻ đá. Khu vực núi đá nằm bên bờ Bắc sông Dinh, mỗi ngày có đến vài ba trăm lao động hành nghề, từng đoàn xe bò sớm chiều nối đuôi nhau chuyển đá, bãi đá ngày nào cũng rộn rịp kẻ mua, người bán. Sau vài năm “ăn” đá nổi, đến khi toàn bộ núi đá bị san bằng, người ta chuyển qua khai thác đá hầm. Do không có máy móc hỗ trợ, lượng đá khai thác (từ hầm ra) ngày càng ít dần. Lao động làm nghề chẻ đá vì vậy cũng giảm xuống từng năm. Từ chỗ mấy trăm lao động nay chỉ còn vài chục người bám trụ theo nghề. Nguyễn Tuấn, thợ đá cừ khôi, có trên 20 năm tuổi nghề tâm sự: “Chẻ đá bây giờ khó lắm, ngoại trừ đòi hỏi phải có tay nghề cao, còn phải nói đến sức khỏe. Sức khỏe không tốt không theo nổi nghề đâu, anh cứ tưởng tượng quanh năm, suốt tháng hít toàn bụi đá, bụi đất, phổi, gan nào chịu nổi. Như em đây, sức khỏe thuộc loại cừ mà còn phải mấy lần nhập viện, lúc thì bị đá găm vào mắt, suýt chút nữa là mù, lúc thì bị viêm đường hô hấp. Mùa nóng chui xuống hầm đập đá y như chui vào cái lò lửa, yếu sức ngất xỉu như chơi. Mùa mưa thì hầm nước lềnh bềnh, suốt ngày ướt mềm, tay vung búa mà mắt luôn nhìn trước ngó sau, không khéo đất sập đè chết. Ở đây đã từng có tai nạn bị đá đè chết, không phải dân Phước Bình, anh ta ở Tân Tạo, nhưng cùng làm chung một chỗ. Phước Bình trước có cả trăm người đi chẻ đá, bây giờ còn vỏn vẹn chưa tới mươi lăm người. Tụi bạn em bị sứt đầu, mẻ trán, ngán quá bỏ về đi phụ hồ. Em tính cũng bám một vài năm nữa rồi giải nghệ. Với lại đá cũng không còn, tìm được hầm đá không dễ, có khi phải thuê xe đào bới năm lần bảy lượt mới có”.
Võ Trung cũng là tay thợ đá kỳ cựu, nói: “Đá khai thác ở các nơi bây giờ cũng ít đi. Vì vậy, bây giờ ai đập giỏi được 50 viên kiếm vài trăm nghìn đồng. Biết rằng vài trăm nghìn đồng chẳng thấm vào đâu so với công sức bỏ ra, nhưng với người không ruộng đất như em thì vẫn tốt chán.
Nghề đá chẻ, mấy chục năm qua đã giúp cho người dân Phước Bình có được cuộc sống tốt hơn. Nhiều gia đình, từ đá chẻ đã sửa được nhà, có tiền cho con ăn học, có người còn sắm được ti vi, xe máy... Nhưng bên cạnh, cũng có nhiều người mắc bệnh nghề nghiệp, hoặc bị tai nạn để lại hậu quả. Bây giờ, giá đá lên cao, nhu cầu xây dựng lớn, nhưng cả khu dân cư này chỉ còn hơn chục người bám nghề. Sự hiểm nguy và nặng nhọc đã khiến lớp trẻ không còn mặn mòi với nghề. Không biết rồi đây, người ta có còn nhớ, tại khu phố 8, phường Tân An, thị xã La Gi này có một làng nghề đá chẻ tồn tại gần 50 năm.
Ngô Văn Tuấn