Người dân có thể tự phòng bệnh sốt xuất huyết

Đời sống - Ngày đăng : 08:48, 04/10/2016

BT- Tại Bình Thuận, từ đầu năm đến nay số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp 3,5 lần so cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng nói là trong thời gian qua, dù đã tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về sự chủ động phòng chống sốt xuất huyết, nhưng không ít người vẫn chủ quan với dịch bệnh này.
                
      
Phun thuốc diệt muỗi là một trong nhiều    cách được sử dụng để phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Đ.Hòa

Lu, vại, thùng nhựa…đó là những vật dụng mà nhiều gia đình hiện nay sử dụng để đựng, tích trữ nước phục vụ sinh hoạt, ăn uống. Nhiều gia đình dù có nước máy, nhưng theo thói quen họ vẫn dùng những vật dụng này để chứa nước. Thế nhưng, điều đáng nói là rất ít gia đình dùng nắp để đậy các vật dụng chứa này, hơn nữa các thùng, vại chứa nước lại không được súc rửa thường xuyên. Đây là môi trường thuận lợi để lăng quăng, bọ gậy muỗi sinh sôi, phát triển và gây ra bệnh sốt xuất huyết ở người, nhất là trong thời điểm mùa mưa như hiện nay. Cuối tháng 8 vừa qua, đoàn công tác của Bộ Y tế do Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương dẫn đầu, cùng với lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã kiểm tra thực tế về công tác phòng chống sốt xuất huyết tại xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết. Kết quả kiểm tra tại một số hộ gia đình cho thấy: “Tất cả đều chứa nước trong các lu, vại và các dụng cụ chứa nước này đều có các ổ lăng quăng, bọ gậy phát sinh muỗi truyền bệnh. Trong đó, chỉ số BI (Breteau index) – số dụng cụ chứa nước dương tính với bọ gậy muỗi là 76, cao hơn 2 lần so với quy định và chỉ số mật độ bọ gậy muỗi truyền bệnh là 1,25 con/nhà, trong khi theo quy định là 0,5.

Thống kê của ngành y tế cho thấy, dịch sốt xuất huyết hiện nay đang tăng nhanh. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 1.800 trường hợp dương tính với sốt xuất huyết, tăng gấp 3,5 lần so với cùng thời điểm năm ngoái. Bên cạnh tháng 1 có số ca mắc cao do bệnh chuyển tiếp của những tháng cuối năm 2015, thì từ tháng 7 tới nay sốt xuất huyết tăng đột biến. Nguyên nhân là do thời điểm này đang mùa mưa, môi trường ẩm thấp, muỗi phát triển nhanh và mang mầm bệnh lây lan trên diện rộng. Không chỉ ở vùng đồng bằng mà các vùng ở miền núi dịch bệnh cũng đang tăng mạnh kể từ khi bước vào mùa mưa. Điều đáng nói, rất nhiều người dân vẫn còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống bệnh và giữa nhận thức - hành động của nhiều người còn là một khoảng cách. Ông Hoàng Văn Hùng – Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm – Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh tăng cao, trong thời gian qua ngành y tế của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về phòng chống sốt xuất huyết, đồng thời tổ chức nhiều đợt phun hóa chất khống chế dịch bệnh do virus Zika – sốt xuất huyết Dengue, tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy tại nhiều địa phương như: Phan Thiết, La Gi, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Đức Linh… Cùng với đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã tổ chức hội thảo về hướng dẫn giám sát và phòng chống sốt xuất huyết cho cán bộ y tế cấp cơ sở”.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: “Dịch sốt xuất huyết trong cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng đang diễn biến phức tạp và vẫn còn tăng nhanh, bởi đây đang là thời điểm mùa mưa. Đối với các địa phương có số ca mắc cao, trong đó có Bình Thuận, Bộ Y tế thường xuyên chỉ đạo và hỗ trợ về chuyên môn cũng như kinh phí để các địa phương triển khai các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết như hỗ trợ hóa chất để diệt lăng quăng, bọ gậy…Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Anh cũng cho biết thêm: Sốt xuất huyết là dịch bệnh do virus gây ra và có thể lây lan nhanh, tuy nhiên người dân cũng có thể tự bảo vệ mình và gia đình không bị mắc bệnh này bằng cách dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa và xung quanh sạch sẽ, thoáng mát. Đối với những gia đình sử dụng các lu, vại chứa nước, cần chú ý thường xuyên súc rửa sạch sẽ, dụng cụ chứa nước cần đậy nắp cẩn thận, không để muỗi ẩn nấp, sinh sôi phát triển thành lăng quăng, bọ gậy.

Lê Quang