Mất cân bằng giới tính khi sinh tại tỉnh: Đã vượt tầm kiểm soát
Đời sống - Ngày đăng : 09:17, 13/10/2016
Ở các lớp mẫu giáo, trẻ em trai chiếm sĩ số nhiều hơn trẻ em gái. |
Phải có con trai để thờ cúng
Tỷ lệ mất cân bằng giới tính của tỉnh hiện đang ở mức 112%, quá tầm kiểm soát (tức 112 bé trai/100 bé gái), đang nằm trong tốp 43 tỉnh, thành cả nước về nguy cơ mất cân bằng giới tính. Đây là khó khăn lớn cho công tác dân số đòi hỏi phải tăng tốc tuyên truyền, nỗ lực thay đổi nhận thức và tư tưởng của một bộ phận người dân trong thời gian tới.
Là huyện miền núi, người dân Tánh Linh đa số làm nông nghiệp cho dù tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh không “nóng” như các địa phương khác, song tỷ số trẻ em sinh ra là nam trong 9 tháng qua vẫn cao hơn nhiều so với nữ. Chị Nguyễn Thị Thái - Phó Giám đốc Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Tánh Linh cho biết: Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh 9 tháng qua của huyện ở ngưỡng 113%, nhiều xã đang ở mức cao như Suối Kiết, Măng Tố. Mặc dù đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhưng việc sinh con trai hay con gái ở từng gia đình đều do sự lựa chọn riêng. Đặc thù vùng nông thôn, miền núi, phụ nữ khi mang thai ít đi siêu âm để lựa chọn giới tính. Hơn nữa, những phụ nữ trẻ tuổi, nhất là mới có con lần đầu không đủ can đảm để bỏ thai dù cho giới tính con không theo ý mình.
Tuy nhiên, tư tưởng thờ cúng tổ tiên gia đình luôn được họ xem trọng, vì thế buộc mỗi gia đình phải kiếm cho bằng được “quý tử” để giao việc thờ cúng sau này. Bởi vậy, không ít các gia đình ở Tánh Linh, nhà nào cũng muốn sinh con trai. Cán bộ chuyên trách dân số xã Suối Kiết, chị Phan Thị Mỹ Nhung cho biết: Trong 9 tháng năm 2016, toàn xã có 56 trẻ sinh ra, trong đó chỉ có 19 nữ/37 nam. Thậm chí ngay trong quý II, 16 trẻ sinh ra nhưng chỉ có 3 nữ, còn lại là nam. Số lượng bé trai gần gấp đôi bé gái, nhưng qua điều tra hầu hết những bà mẹ không hề có chuyện can thiệp giới tính. “Số trẻ sinh ra đều thuộc những cặp vợ chồng trẻ, mới cưới, sinh con lần đầu và sinh ngẫu nhiên, không hề đi canh trứng, ăn kiêng để kiếm con trai gì cả”, chị Nhung cho biết.
Khi nào có con trai mới chịu “stop”
Địa bàn xã Măng Tố với gần 50% đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết bà con đều không có nhu cầu sinh con trai hay gái. Quan niệm của người đồng bào lâu nay, cứ có thai thì sinh, sinh thì phải nuôi, không có tình trạng chọn nam hay nữ, làm như thế là có tội với tổ tiên. “Nhưng ngược lại, có những gia đình người Kinh một khi khá giả đều muốn sinh con thêm, thậm chí có người hơn 40 tuổi vẫn còn muốn sinh đẻ và cố kiếm cho bằng được con trai nếu chưa có”, cán bộ chuyên trách dân số xã Măng Tố, chị Lê Thị Diệu Tân cho biết.
Thị xã La Gi là một trong những địa bàn cần tập trung tuyên truyền mạnh về mất cân bằng giới tính khi sinh. “Mặc dù vẫn nằm trong tầm kiểm soát về mất cân bằng giới tính, nhưng tư tưởng người dân luôn muốn có con trai đang có nguy cơ cao khó kiểm soát”, ông Nguyễn Thanh Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Dân số KHH gia đình thị xã La Gi cho biết. Đặc biệt, các cặp vợ chồng trí thức, cán bộ công chức trẻ đa phần lén lút dùng các biện pháp hiện đại để “canh” bằng được con trai vì cứ quan niệm “làm gì thì làm, kiếm cậu “quý tử” đầu tiên cho chắc”. Thậm chí, có nhiều trường hợp đã có 2 con gái nhưng vẫn liều “săn” cho được con trai để “nở mặt” với người ta. Theo ông Hoàng, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức đến từng người dân về mất cân bằng giới tính khi sinh là vấn đề cấp bách hiện nay, bởi nếu không sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh con thứ 3 cao. Ngoài ra, thị xã sẽ tập trung tuyên truyền rộng rãi đến người dân, trong đó tập trung chủ yếu đến các cặp vợ chồng mới cưới, vợ chồng trẻ, sinh con một bề để tư vấn mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề này.
Được biết, ngay trong tháng 10/2016, Chi cục Dân số KHH gia đình tỉnh sẽ mở 2 lớp truyền thông chuyên đề về vấn đề này tại từng huyện, thị nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3.
Khánh Ngọc