Ông Thông Kỳ - “người uy tín” ở thôn Bàu Chim
Đời sống - Ngày đăng : 10:10, 25/10/2016
Ông Thông Kỳ tâm sự: “Năm 2009 thấy đất đai ở Bàu Chim còn rộng, trồng cây gì cũng tốt nên tôi mua đất và chuyển nhà từ khu phố Chăm, Lạc Tánh về Bàu Chim định cư, lập nghiệp. Những năm đầu tôi trồng 200 cây gió để sau khi cây lớn cấy trầm, nhưng vì thiếu kinh nghiệm nên 40 cây gió bị chết dần. Sau này do cây gió có giá nên tôi bán dần 100 cây (mỗi cây giá 1 triệu đồng). Giờ chỉ còn 40 cây để lại hàng năm cấy trầm thu lợi cao hơn. Năm 2015, tôi cấy trầm ở 4 cây gió thu 6 kg trầm và bán được 60 triệu đồng. Những năm 2013 trở về trước thanh long được giá, mỗi năm cũng thu được 50 - 60 triệu đồng. Nhưng 2 năm gần đây trồng thanh long không có lãi do giá mua quá thấp, tôi đã tập trung chăm sóc cây tiêu, mỗi năm thu 30 - 40 triệu đồng. Còn cây lúa chủ yếu để trang trải trong gia đình… Bình quân mỗi năm tôi thu hơn 200 triệu đồng từ các loại nông sản, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 90 triệu đồng…”. Do làm ăn, sử dụng đất có hiệu quả nên hàng năm ông Thông Kỳ được xã Đức Thuận bình chọn là nông dân sản suất, kinh doanh giỏi.
Ngoài việc sản xuất giỏi, với trách nhiệm là “người uy tín” của đồng bào Chăm, nhiều năm nay, ông Thông Kỳ thường xuyên vận động đồng bào Chăm trong thôn không bán đất, không phá rừng, tích cực chuyển đổi cây trồng phù hợp. Mặt khác, vận động đồng bào không mua sắm đồ dùng xa xỉ mà phải tiết kiệm tiền đầu tư mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu. Nhất là tại các cuộc họp thôn, ông Thông Kỳ luôn động viên các hộ nghèo và giúp đỡ họ về tư liệu sản xuất, kỹ thuật, giống… Nhờ vậy, đồng bào Chăm trong thôn Bàu Chim luôn đoàn kết, giúp nhau trong cuộc sống, động viên con cháu học hành và chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, các quy định của địa phương.
HỒ NHẬT