Do đâu bán vật tư cao, mua thấp giá bắp lai?

Đời sống - Ngày đăng : 09:24, 22/02/2017

BT - Trong những ngày đầu xuân chúng tôi có dịp về công tác tại xã vùng cao Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam) nghe bà con dân tộc nói rằng: Trung tâm dịch vụ miền núi có nhiệm vụ cung ứng đầu tư, tiêu thụ nông sản cho đồng bào, nhưng trong vụ bắp vừa qua đã bán cho bà con giống, phân bón giá cao hơn thị trường và mua lại sản phẩm bắp lai giá thấp nên đồng bào bị thua thiệt. Vậy thực hư chuyện này như thế nào?

Phẩm cấp bắp giảm

Năm 2016 là năm đầu tiên không còn thực hiện trợ cước tiêu thụ bắp lai thương phẩm. Mặt khác, do ảnh hưởng của bắp nhập khẩu nên giá bắp trong nước giảm khoảng 10% so năm 2015. Trung tâmdịch vụ miền núi với trách nhiệm được giao là tổ chức thu mua, tiêu thụ bắp lai cho đồng bào dân tộc (tại xã Mỹ Thạnh chiếm 100% thị phần) nên đã cố gắng tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh – nơi có giá cao nhất; tìm kiếm phương tiện vận chuyển có giá thấp để giảm chi phí, tăng giá thu mua bắp cho đồng bào. Đồng thời, Trung tâm đã cho xe vận chuyển bắp vào tận rẫy để thu mua bắp nhằm giảm chi phí cho bà con vận chuyển từ rẫy về nơi tập kết thu mua của đại lý, cửa hàng. Giá mua bắp lai thương phẩm tại Mỹ Thạnh năm 2016 ổn định từ 3.040 đồng đến 3.090 đồng/kg tùy theo thời điểm (bắp chuẩn là 30 độ ẩm). Giá này cao hơn giá tư thương mua ở các vùng khác. Năm 2016, do tình hình thời tiết nắng kéo dài, mưa muộn nên đồng bào xã Mỹ Thạnh xuống giống trễ hơn một tháng. Khi vào thời điểm cây bắp trổ cờ, ra trái, thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao dẫn đến cây bắp phát sinh sâu bệnh. Sau khi phát hiện bệnh thối thân trên cây bắp, Trung tâm cùng các ngành chức năng và địa phương đã kiểm tra và cung ứng đủ thuốc. Nhờ vậy, đến tháng 11/2016 Trung tâm đã thu mua hơn 70% diện tích bắp lai được 850 tấn, trị giá 2,55 tỷ đồng. Kết thúc thu hoạch vụ bắp, đồng bào đã thu đạt sản lượng 1.400 tấn, trị giá hơn 4,2 tỷ đồng. Đồng bào trồng bắp thu lãi từ 10 - 12 triệu đồng/ha; 100% số hộ thu hoạch bắp đã trả hết nợ đầu tư ứng trước cho Trung tâm Dịch vụ miền núi.

Tuy nhiên, giá bán bắp lai của một số hộ dân ở Mỹ Thạnh thấp do nguyên nhân trước hết mưa kéo dài nên các hộ bảo quản sản phẩm không tốt để nước mưa thấm; khi tuốt lại không để riêng từng loại nên làm giảm chất lượng bắp. Mặt khác, giống bắp các hộ sử dụng chủ yếu là giống NK7328 có thời gian sinh trưởng từ 115-120 ngày, dài hơn các giống CP mà các hộ sử dụng trước đó; một số hộ thu hoạch khi bắp chưa chín già làm giảm phẩm cấp (độ ẩm 34, 35, giảm 200-250 đồng/kg so với ẩm độ chuẩn 30 độ); một số bắp bị bệnh thối thân, chết héo làm giảm phẩm cấp của bắp... Như vậy, giá bắp thu mua năm 2016 thấp hơn năm trước là do không còn trợ cước tiêu thụ sản phẩm và phẩm cấp bắp giảm.

Hai giá vật tư

Năm qua, Trung tâmdịch vụ miền núi đã ứng trước vật tư, phân bón cho 1.133 hộ đồng bào  DTTS để sản xuất 2.219 ha bắp với tổng giá trị đầu tư 13,5 tỷ đồng. Trong đó, xã Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam) có 176 hộ đồng bào dân tộc sản xuất 238,2 ha bắp lai theo chính sách đầu tư ứng trước với tổng số tiền đầu tư là 1,495 tỷ đồng. Trung tâm đã kịp thời cung ứng giống, vật tư để các hộ sản xuất kịp thời vụ.

Để có giống, vật tư phục vụ cho bà con sản xuất, ngay từ đầu năm, Trung tâm dịch vụ miền núi đã tổ chức đấu thầu mua sắm vật tư, hàng hóa. Trong quá trình cung ứng vật tư cho đồng bào, Trung tâm đã khảo sát giá bán sỉ giống, vật tư tại thành phố Phan Thiết để thông báo giá bán cho các hộ dân bằng hoặc thấp hơn giá tại thành phố Phan Thiết. Đối với các hộ đồng bào nhận đầu tư ứng trước nằm trong định mức theo quyết định số 05/2016/QĐ-UBND ngày 1/2/2016 của UBND tỉnh (quy định chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư để hỗ trợ phát triển sản xuất đồng bào DTTS), do được ngân sách tỉnh hỗ trợ chi phí vận chuyển, huê hồng cấp phát nên giá bán vật tư cho các hộ tại từng thời điểm bằng giá bán sỉ tại địa bàn Phan Thiết. Tuy nhiên, đối với các hộ đầu tư dịch vụ hoặc lượng vật tư hàng hóa nhận vượt định mức theo quy định của tỉnh, thì giá vật tư được bán theo giá dịch vụ (cộng thêm chi phí vận chuyển, huê hồng cấp phát, chi phí bốc xếp…). Do đó, giá tăng khoảng 300 đồng/kg phân bón so với các loại vật tư được nhận theo chính sách đầu tư ứng trước.

Ông Nguyễn Văn Chi, Giám đốc Trung tâm dịch vụ miền núi cho biết: “Giá bán vật tư, phân bón cho các hộ đồng bào DTTS sản xuất bắp năm 2016 được thực hiện theo hai giá trong định mức và vượt định mức. Do một số hộ dân chưa nắm bắt việc thực hiện quy định hai loại giá nên chưa đồng tình và thắc mắc. Sắp tới Trung tâm sẽ tập trung tuyên truyền, giải thích để đồng bào hiểu rõ về chính sách đầu tư ứng trước và giá bán dịch vụ tại địa bàn từng xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

LÊ THANH