Bình Thuận: Nên có trung tâm bán đấu giá báu vật

Đời sống - Ngày đăng : 10:51, 07/04/2017

BT- Hiện nay, tại nhiều nước trên thế giới đã xuất hiện nhiều Trung tâm trưng bày, đấu giá các báu vật, và thông qua hoạt động của các trung tâm này, các chính phủ đã tăng thêm nguồn thu, chưa kể là tạo nên sức hút về du lịch. Từ chuyện các nước, có thể nghĩ đến việc thành lập các trung tâm như nói trên tại Việt Nam.
                
Họa sĩ Quang Lộc bên những viên đá quý.    Ảnh: Quang Phát

Ở Việt Nam, thời gian qua, có nhiều người có các bộ sưu tập cá nhân về ngọc (GEM), về đá quý (Precious stones), về cổ vật, cổ sinh vật học (Pealeontology), về hóa thạch (Fossil)… Có những bộ sưu tập của cá nhân rất đồ sộ, phong phú, đa dạng về chủng loại, đặc biệt là những cổ vật thiên nhiên, sinh vật hóa thạch có niên đại hàng triệu năm, lạ lẫm, kỳ bí. Tuy nhiên do không nắm rõ luật pháp, cũng như chưa được tạo thuận lợi, nhiều bộ sưu tập cá nhân hiện nay vẫn trong tình trạng “của ai nấy biết!”. Trong khi đó, những vật thể dù quý hiếm đến đâu mà cứ giữ mãi trong kho tàng, trong hầm kín thì khó lòng biết hết giá trị của chúng…

Bình Thuận cũng là nơi có nhiều tiềm năng, thế mạnh về một số loại ngọc, trong đó có ngọc ốc, được các nhà ngọc học quốc tế đánh giá cao. Xin nêu một dẫn chứng: Trước đây cựu Hoàng đế Bảo Đại từng sở hữu một viên ngọc ốc kích cỡ quả trứng gà so.  Vì nhiều lý do, viên ngọc ốc trên đã qua tay nhiều người và hiện nay nó đang thuộc sở hữu của đại gia ở một nước châu Á.

Viên  ngọc này được nhiều thương lái, người chơi ngọc khắp nơi tìm mua và trả đến 5 triệu USD  nhưng vị đại gia trên vẫn từ chối. Tại Bình Thuận, trước đây có một ngư dân sở hữu viên ngọc ốc lớn bằng quả trứng vịt, hình oval cân đối, màu sắc long lanh, trong sáng, đẹp không kém gì viên ngọc ốc được trả giá 5 triệu USD mà còn hơn ở trọng lượng và hình thể “một bảy, một mười”. Vì túng thiếu, lại thiếu thông tin, mù mờ với giá ngọc ốc trên thị trường, anh này đã bán viên ngọc trên cho một “cò ngọc” ở Sài Gòn chỉ có 300.000.000 đồng. Cuối cùng, món hàng  giá trị ấy được đưa ra nước ngoài, “cò ngọc” hưởng lợi to, người có của thiệt thòi mà chính quyền cũng  khó kiểm soát được “tài sản quốc gia”.

Theo tôi, sau khi nghiên cứu, khảo sát một cách sâu sát, Bình Thuận có thể hình thành hoặc cho phép thành lập các trung tâm trưng bày, đấu giá các báu vật quý như nói trên, bằng hình thức kêu gọi tư nhân đầu tư hay một doanh nghiệp chuyên ngành nào đó tham gia…

Nếu làm được điều này, Bình Thuận lại có thêm  sản phẩm phục vụ du lịch, tăng thêm sức hấp dẫn của Bình Thuận đối với du khách trong và ngoài nước. Nhà nước qua đó tăng thêm nguồn thu, đồng thời tạo điều kiện cho hợp tác, trao đổi với các trung tâm chuyên về cổ vật quý hiếm quốc tế.

Quang Lộc