“Bộ sưu tập” độc quyền sáng chế của ông Kiều Văn Giỏi

Đời sống - Ngày đăng : 08:07, 31/05/2017

BT- Sắp tới, tôi sẽ lại được Cục Sở hữu trí tuệ cấp thêm một bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích nữa”. Đó là thông tin ông Kiều Văn Giỏi (ngụ KP5, phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết) vừa chia sẻ. Hiện ông Giỏi đang  sở hữu một bộ sưu tập các bằng độc quyền gồm một sáng chế, một giải pháp hữu ích, một chứng nhận bản quyền tác giả và 4 đơn đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế đang đợi Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định nội dung.
                                            
   
Ông Kiều Văn Giỏi - người sở hữu bộ sưu tập    các bằng độc quyền nhiều nhất Bình Thuận.
   
Các văn bằng độc quyền được ông Giỏi treo    trong phòng khách.
   
Hình vẽ thiết kế tủ nuôi dế của ông Giỏi    được cấp bằng Giải pháp hữu ích năm 2015.

Một bài báo tạo nên đam mê

Đó là bài dịch “Hàng triệu bạc trong một lỗ kim” đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay số 80 (phát hành năm 1991) mà ông Giỏi vẫn còn nhớ như in. Nội dung bài viết là về câu chuyện một người thất nghiệp có thể kiếm được 200 ngàn franc (tiền Pháp lúc bấy giờ) nhờ vào việc cứu một nhà máy đường tại Pháp khỏi tình cảnh sắp phá sản vì không tìm ra được giải pháp giữ cho đường được khô ráo trong thời gian quá một tháng, trong khi người tiêu dùng lại không chịu mua đường ướt.

Ông Giỏi cho biết: “Đọc được bài báo này tôi cảm thấy một điều gì đó rất hân hoan, thôi thúc trong lòng, tôi nhận ra rằng muốn thay đổi số phận thì phải đi sâu vào con đường sáng tạo, sáng chế hay lớn lao hơn phát minh”. Và từ dạo đó đến giờ, tuy không được đào tạo chính thức qua một trường lớp kỹ thuật nào, nhưng ông Giỏi không ngừng đam mê sáng tạo, tìm kiếm các giải pháp mới và bắt đầu “hưởng lợi” từ “chất xám” của mình.

Nhận 30% lợi nhuận trong vòng 20 năm

Đó là thỏa thuận trong các hợp đồng mà ông Giỏi sắp tới sẽ hợp tác chuyển giao kỹ thuật với hai hộ nuôi trùn quế tại Thiện Nghiệp (Phan Thiết) và Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc). Ông Giỏi đã “thương mại hóa” sáng chế về “thiết bị và quy trình nuôi trùn quế” mà ông đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ độc quyền năm 2014. Nói về sáng chế này, ông Giỏi chia sẻ: “Khoảng năm 1999 - 2000, trùn quế có giá bán tới 70 ngàn đồng /kg, mà trong đó hết 9 lạng là sinh khối, chỉ có 1 lạng là trùn. Tôi bị thu hút bởi giá trị của con trùn quế và quyết tâm “theo đuổi” nó”.

Từ năm 2000-2002, ông Giỏi xin vào Công ty trang trại TP. Hồ Chí Minh (Gò Vấp) làm việc và tìm hiểu về cách nuôi trùn quế. Khi đó, trùn quế được nuôi bằng phân bò, tuy nhiên loại phân này ngày càng ít và không dễ kiếm để đáp ứng nhu cầu nuôi trùn quế số lượng lớn. Ông Giỏi nghĩ đến một loại thức ăn cho trùn quế có thể thay thế phân bò mà dễ kiếm, có giá thành rẻ hoặc được tận dụng lại không tốn tiền mà lại có thể tăng trọng lượng, sản lượng của con trùn. Đó là các rác thải thực vật hữu cơ, có thể là cành thanh long cắt bỏ, rau củ quả hư hại ở các chợ, lục bình, bã cà phê, bã đậu... Tất cả được xay nhuyễn và lên men, trùn quế ăn vào cho sản lượng tăng gấp ít nhất là 3 lần so với sử dụng phân bò. Không dừng lại ở đó, ông Giỏi lại tiếp tục suy nghĩ đến thiết bị nuôi trùn quế khắc phục tình trạng ứ đọng nước. Cũng sử dụng các khay nhựa có khả năng di chuyển, xếp chồng lên nhau nhưng ông Giỏi thiết kế thêm hệ thống thoát nước, giảm thiểu tối đa tỉ lệ trùn chết do ô nhiễm môi trường, tăng khả năng sinh trưởng và phát triển của con trùn.

Ông Giỏi tự tin cho rằng: “Nhu cầu về trùn quế đang ngày càng tăng cao vì nhu cầu thức ăn cho chăn nuôi và phân bón hữu cơ cho cây trồng. Nếu đầu tư nuôi trùn quế mà ứng dụng quy trình và thiết bị của tôi thì đảm bảo sẽ cho năng suất cao hơn gấp 3, gấp 4 lần cách nuôi trùn khác hiện nay ở trong nước và trên thế giới”.  

Thích làm khác người ta

Những năm 90, người ta thường nuôi ếch thả trong hồ, trong ao thì ông Giỏi nuôi trong các lồng, cho năng suất sản lượng cao hơn nhiều. Kỹ thuật nuôi ếch này của ông được Cục Bản quyền cấp bản quyền tác giả năm 1997. Đây cũng là tấm bằng đầu tiên ông được nhận liên quan đến việc bảo hộ độc quyền. Rồi ai mà nghĩ tới con dông chuyên đào hang và quen sống trong vùng bãi cát nắng hạn lại có thể nuôi được trên sân thượng, nhưng ông Giỏi lại có cách nuôi được, nhờ vào thiết bị và quy trình nuôi dông đặc biệt của ông nghĩ ra.

Tiếp nối thành công từ con trùn quế, ông Giỏi tiếp tục suy nghĩ “khác người”, đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế là quy trình nuôi trùn quế sử dụng phân hầm cầu, và theo ông thông tin thì sắp tới sẽ được cấp bằng. Ông Giỏi còn “chơi độc” khi kết hợp chiếc tủ nhiều ngăn kéo với việc nuôi dế. Đó chính là giải pháp hữu ích mà ông được cấp bằng độc quyền năm 2015. Việc nuôi dế trở nên dễ dàng, đảm bảo vệ sinh hơn cho cả người nuôi lẫn con dế nhờ có khay thu phân và rác của dế, đảm bảo môi trường sống cho dế sinh trưởng. Ngoài ra, ông còn đang đăng ký bảo hộ “thức ăn, phương pháp, thiết bị nuôi và sản xuất trùn quế con”, “thiết bị diệt côn trùng” và “thiết bị làm mát đa năng”, vừa làm mát, vừa hút bụi lại vừa bắt muỗi.             

Huyền Trang