Khu Lê đang chờ nguồn nước mát

Đời sống - Ngày đăng : 09:26, 12/06/2017

BT- Những trang trại thanh long, mảnh đất trồng đậu phộng, điều… sẽ tiếp tục xanh mát và phát triển khi dự án cấp nước khu Lê Hồng Phong hoàn thành và đi vào hoạt động...
                
      
   Những vùng đất da beo, bị bỏ    hoang do không có nước tưới (ảnh chụp từ núi Bàu Thiêu nhìn xuống    trung tâm xã Hồng Phong).

Dự án cấp nước Khu Lê Hồng Phong, huyện Bắc Bình do Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (MTV KTCTTL) Bình Thuận làm chủ đầu tư, khởi công ngày 30/4/2012 với tổng kinh phí dự kiến 395,146 tỷ đồng.

Mục tiêu ban đầu là cấp nước sản xuất cho 1.000 ha đất canh tác dọc dự án, đồng thời cấp nước (chưa qua xử lý) phục vụ sinh hoạt và du lịch nhằm phát triển dân sinh - kinh tế và khai thác tiềm năng tuyến du lịch Hồng Phong - Hòa Thắng. Song song đó là cải tạo môi trường sinh thái và hạn chế tình hình sa mạc hóa đang diễn ra và tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội cho vùng chiến khu Lê Hồng Phong, căn cứ địa cách mạng của tỉnh Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Công trình thủy lợi thuộc diện cấp III, lưu lượng cấp nước đạt khoảng 2m3/s với thời gian cấp nước là 15 giờ /ngày đêm. Dự án có tổng cộng 2 trạm bơm và các tuyến kênh dẫn nước vào trạm bơm dài 3.242m, kênh chính Đông dài 14 km (dùng để cấp nước Bàu Trắng và xã Hòa Thắng) và kênh chính Tây dài 24km (tuyến cấp nước về Bàu Thiêu và xã Hồng Phong). Kết cấu kênh sẽ là hộp bê tông cốt thép. Đến nay, 2 trạm bơm đầu mối đã vận hành chạy thử và đang trong giai đoạn hiệu chỉnh để chính thức nghiệm thu, sẵn sàng đưa vào hoạt động khi cần. 3 gói thầu xây lắp tuyến kênh chính Tây đang dần hoàn thiện các công việc cuối với chiều dài 19,85/ 21,85 km của toàn tuyến.

                
Tuyến kênh chính Tây qua núi Bàu Thiêu, xã    Hồng Phong.

Gặp ông Võ Tấn Khoa, nguyên Trưởng thôn Hồng Trung, xã Hồng Phong, ông vui mừng nói: “Ngày 11/1 đầu năm nay, sẽ mãi là một trong những ngày trọng đại của người dân trên mảnh đất khu Lê anh hùng này. Những giọt nước mát rượi đầu tiên từ dòng sông Lũy (tại thị trấn Lương Sơn), vượt đồi cao hơn 150m (qua 2 trạm bơm) để theo kênh chính Tây về đến xã núi Bàu Thiêu sau lễ vận hành thông nước kỹ thuật dự án cấp nước.  “Nếu nguồn nước về sớm, gia đình sẽ cố gắng vay vốn và phát triển sản xuất nông nghiệp. Sau khi cải tạo lại đất, tôi sẽ mạnh dạn thay đổi cây keo lá tràm, dưa lấy hạt để chuyển sang trồng thanh long hoặc cây ăn trái theo hướng sạch, không thuốc hóa học”, nông dân Võ Tấn Khoa vui vẻ trả lời chúng tôi trên mảnh đất chỉ cách kênh chính Tây 200m.

Toàn bộ dân số xã Hồng Phong tính đến năm 2017 là 1.525 khẩu/ 382 hộ, sống tập trung tại 3 thôn với diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp đến 7.284 ha. Đứng trên tuyến kênh chính Tây dọc sườn núi Bàu Thiêu, trời đất rộng mênh mông khuất tầm mắt với những dãy đồi đan xen, màu đỏ, nâu, xám của những vùng đất bạc màu, điểm xuyết với những cánh rừng keo lá tràm màu xanh lốm đốm.

Theo chị Trần Thị Hoài Xuân, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong: Phần lớn diện tích đất nói trên đang ở trong tình trạng bạc màu, sản xuất không đem lại hiệu quả cao vì không chủ động được nguồn nước tưới. Các mảnh da beo là những nơi nông dân may mắn khoan được giếng hoặc gần các bàu trữ nước tự nhiên tại đây. Không có nhiều việc làm, đa phần thanh niên đã bỏ quê hương vào các thành phố lớn sinh sống và lập nghiệp.

Trong khi tuyến kênh chính Tây đã hoàn thành cơ bản thì kênh chính Đông đang thực hiện quy hoạch, cắm mốc để đền bù và giải phóng mặt bằng cho dự án. Niềm vui và sự phấn khởi của người dân 2 xã lộ rõ trên từng nét mặt khi sắp tới, họ có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, chủ động được nguồn nước tưới mà không phải nhờ vào “ông trời”. “Song song với việc đầu tư thi công dự án, rất mong các ngành các cấp có những quy hoạch tổng thể và chi tiết, nghiên cứu những cây trồng, vật nuôi lợi thế, thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, kịp thời tuyên truyền, định hướng cho nông dân. Nhất là phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại địa bàn”, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng Lê Thanh Chung đề nghị.

                
      
Nhiều người dân xã Hòa Thắng sẵn sàng đầu    tư hàng trăm triệu đồng trồng thanh long xen canh với đậu phộng khi    chủ động nguồn nước tưới.

Quỹ đất tại 2 xã Hồng Phong và Hòa Thắng cùng diện tích đất dọc dự án cấp nước khu Lê Hồng Phong trải dài từ Lương Sơn là rất lớn. Phải có hướng đi cụ thể, có lộ trình đầu tư kết cấu hạ tầng và kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… Nếu có những tính toán hợp lý, phù hợp thực tiễn, lấy quyền lợi nhân dân là kim chỉ nam, việc phát triển vùng đất cát khu Lê Hồng Phong sẽ tạo ra một khu vực nông nghiệp mới, đủ lớn, đủ điều kiện phát triển theo hướng công nghệ cao, kinh tế trang trại và chăn nuôi đàn gia súc.

Đây sẽ là tiền đề quan trọng giúp nông nghiệp phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo tại chiến khu anh hùng này.                  

Đình Hậu