Xã hội hóa các biện pháp tránh thai: Sửa quyết định để phù hợp thực tế
Đời sống - Ngày đăng : 09:17, 08/06/2017
Tiêm thuốc tránh thai. Ảnh minh họa |
Không đáp ứng đủ nhu cầu
Với mục tiêu, chủ động điều chỉnh tốc độ gia tăng dân số, giảm tỷ lệ sinh con ngoài ý muốn, duy trì mức sinh thấp hợp lý, tập trung nâng cao chất lượng dân số để có được quy mô và cơ cấu dân số hài hòa. Bình Thuận được tiếp nhận kinh phí thực hiện triển khai các hoạt động đảm bảo hậu cần và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, nguồn kinh phí này chỉ đáp ứng được 50 - 70% chỉ tiêu giao, chủ yếu là cấp miễn phí cho nhóm người nghèo, cận nghèo… Đó là thông tin của Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Bình Thuận, Võ Văn Hạnh.
Được biết, mỗi năm trung tâm nhận được 100 que cấy tránh thai, sau khi phân về cho các huyện, thị xã, thành phố thì đơn vị chỉ còn lại khoảng 10 que. Năm 2017, Tổng cục Dân số cấp cho toàn tỉnh Bình Thuận 80 que cấy. 58% số thuốc tiêm tránh thai của năm 2016, tương ứng cho 3.810 người được thụ hưởng. Trong khi Tổng cục Dân số giao chỉ tiêu cho Bình Thuận là 23.600 người uống thuốc ngừa thai, nhưng chỉ cấp số lượng thuốc cho 7.100 người uống. Vả lại bao cao su không được cấp, rồi số lượng cung cấp miễn phí các biện pháp tránh thai chưa đáp ứng chỉ tiêu giao, mà còn cắt giảm nhiều so với các năm trước.
“Vướng” quyết định
Bác sĩ Hạnh nói: “Năm 2012, Quyết định 27 của UBND tỉnh được ban hành về quy định chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, là đúng thời điểm với mục tiêu quyết liệt giảm sinh bằng các biện pháp kế hoạch gia đình (do dân số tăng nhanh); kết hợp nguồn kinh phí hỗ trợ lớn từ Trung ương. Nhờ thế, tỉnh duy trì được mức giảm sinh”.
Theo đó, tại khoản 1 Điều 4 của quyết định này nêu rõ “Những người thực hiện các biện pháp tránh thai tại các cơ sở y tế nhà nước thuộc tỉnh được miễn phí 100%. Những người thực hiện các biện pháp tránh thai tại các cơ sở y tế nhà nước, nếu bị tác dụng phụ hoặc tai biến thì được khám và điều trị miễn phí 100% các bệnh do thực hiện các biện pháp tránh thai gây ra, tại các cơ sở y tế nhà nước thuộc tỉnh...”.
Theo bác sĩ Hạnh, thực tế, nguồn kinh phí trên không đáp ứng nhu cầu. Người dân sẵn sàng chi trả các dịch vụ que cấy tránh thai, tiêm thuốc tránh thai rất nhiều; nhưng trung tâm không thể thực hiện bởi “vướng” quyết định trên. Cuối tháng 3/2017, trung tâm đã có văn bản gởi Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Bình Thuận đề nghị sửa đổi Quyết định 27 năm 2012 của UBND tỉnh quy định về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, để các đơn vị thực hiện xã hội hóa các biện pháp tránh thai nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Xã hội hóa là hướng đi đúng
Tháng 3/2015, Bộ Y tế ban hành Quyết định 818 về xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 - 2020 (gọi tắt là Đề án 818). Xã hội hóa chương trình này là một hướng đi không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà còn từng bước thay đổi cách nghĩ của người dân trong việc chủ động sử dụng các phương tiện tránh thai để bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số.
Thiết nghĩ, tại thời điểm này, Quyết định 27 của UBND tỉnh về quy định chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp nhu cầu thực tế cũng như phù hợp theo hướng xã hội hóa với Quyết định 818 của Bộ Y tế.
Trang Minh