Trồng dược liệu tại Bình Thuận: Thừa tiềm năng, nhưng chưa được chú ý

Đời sống - Ngày đăng : 08:57, 30/06/2017

Thích hợp với cây dược liệu

BT - Không phải ngẫu nhiên từ những năm 90, vùng Tuy Phong, nơi có đất đai khô cằn lại được Công ty Dược liệu Trung ương 2 đến đặt vấn đề đầu tư ứng trước với nông dân xã Phong Phú trồng cây bụp giấm. Những năm đầu tiên của buổi liên kết ấy, diện tích trồng bụp giấm tại xã này lên đến 400 ha. Nhưng vì nhiều lý do như mất mùa, giá thấp… khoảng 5 năm gần đây, Công ty Dược liệu Trung ương 2 thôi không đầu tư ứng trước, dân ở 2 nơi trên vẫn trồng cây bụp giấm, bán sản phẩm cho một công ty dược liệu khác tại Hà Nội. Nếu năm 2015, công ty này mua giá 65.000 - 68.000 đồng/kg thì sang năm 2016, giá mua định trước chỉ 50.000 đồng/kg, bà con nông dân ở Phong Phú thấy không có lời nên thôi sản xuất. Năm nay cũng thế, vì vậy vùng nguyên liệu bụp giấm ở đây xem như không còn. Trong khi đó, tại các vùng đất cát, tập trung tại khu vực Dốc Cúng thuộc thị trấn Liên Hương, dân vẫn trồng bụp giấm. Sản phẩm thu hoạch được, người dân ở đây lấy đài hoa chế tạo ra nước giải khát bán cho nhau, còn hạt thì phơi khô, làm giống sản xuất cho mùa sau hoặc bán cho những ai có nhu cầu.

         

8 vùng dược liệu trong nước

Theo quy hoạch 8 vùng dược liệu trong nước. Bụp giấm là 1 trong 10  dược liệu bản địa của vùng duyên hải Nam Trung bộ cần ưu tiên phát triển.

Không chỉ bụp giấm, đất Tuy Phong, Bắc Bình cũng rất thích hợp để trồng cây đinh lăng, loài dược liệu cung cấp củ, rễ cho ngâm rượu thuốc; lá làm rau ăn sống, rất tốt cho sức khỏe. Nếu được giá, có thị trường, chắc chắn cây dược liệu chịu hạn, chịu đất cát pha này sẽ mở rộng diện tích tại tỉnh trong những năm tới. Chưa hết, mới đây tại vùng Bình An, Bắc Bình, một công ty đang xây dựng thí điểm trồng cây bạc hà Nhật Bản để chiết xuất tinh dầu cũng như xây dựng nhà máy sản xuất Menthol tinh thể. Đây là loài cây dược liệu quý lại chịu vùng đất thiếu nước, hứa hẹn mang lại thu nhập cao và ổn định hơn các cây trồng khác.

Dân tự phát trồng…

Chuyện chưa quan tâm để cây dược liệu phát triển xôm tụ không chỉ ở Bình Thuận. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay dược liệu trong trong nước chỉ đáp ứng 25% nhu cầu, còn lại 75% đều nhập từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Thêm nữa, phần lớn dược liệu nhập này không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lưu hành trôi nổi trên thị trường, không đảm bảo chất lượng để làm thuốc. Vì thế, có nhiều giải pháp được đặt ra để khắc phục tình trạng này, trong đó phải khuyến khích người dân trồng dược liệu,  hình thành những vùng dược liệu ở các tỉnh, thành. Tại Bình Thuận, theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện chưa có quy hoạch vùng sản xuất dược liệu. Riêng chỗ cây bạc hà nằm trong vùng tưới Phan Rí –Phan Thiết, sở đã có quy hoạch với diện tích khoảng 7.000 ha. Còn những bụp giấm, đinh lăng…người dân đang trồng tự phát, lúc được giá thì trồng, lúc không được thì thôi. Vì thế, người dân ở các vùng trên, cụ thể tại xã Phong Phú mong ngóng có chính sách hỗ trợ nào đó với cây bụp giấm.

 Ông Phạm Minh Kính,chủ tịch Hộinông dân xã Phong Phú – Tuy Phong cho hay, trồng cây bụp giấm rất cực, cũng như phải tuân thủ thời gian trong thu hoạch, phơi phóng nên không chỉ tăng chi phí mà còn phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Ba, bốn năm nay, thời tiết Tuy Phong không bình thường, đến tháng 11,12, trời vẫn còn mưa, đây lại là thời điểm thu hoạch bụp giấm, trái hái xuống, tách đài, bẻ hạt cần phơi nắng 5 ngày, nhưng lại gặp mưa nên hư hết. Nếu vay được vốn đầu tư máy sấy sẽ khắc phục được. Và nhất là giá, nếu công ty mua được 70.000 đồng/kg trái, chắc chắn bà con sẽ trồng với diện tích vài trăm ha như ban đầu. 

Bích NghỊ