Diệt lăng quăng thường xuyên, giảm bệnh sốt xuất huyết
Đời sống - Ngày đăng : 08:35, 24/08/2017
Thói quen và cách làm
Thực tế, SXH xảy ra quanh năm nhưng phát triển mạnh vào mùa mưa. Đa số người dân, kể cả gia đình có nước máy, thường dự trữ nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày trong gia đình. Do sử dụng nước thường xuyên hằng ngày nên việc đậy kín những dụng cụ này xem như bất tiện, nhiều gia đình không quan tâm, tạo nơi trú ẩn, sinh sản của muỗi vằn; với kết quả giám sát mật độ lăng quăng trong các lu mái 38,8%. Mặt khác, muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Thêm nữa, từ nông thôn đến thành thị, sau mưa, nước đọng khắp trong và ngoài nhà là những môi trường tốt để muỗi đẻ trứng, sinh lăng quăng. Từ đó lý giải vì sao mật độ lăng quăng, muỗi vằn lại tăng nhanh, kéo theo bệnh SXH cũng tăng.
Câu chuyện bệnh SXH lặp đi lặp lại mỗi năm và tăng cao vào mùa mưa làm ngành y tế quay cuồng chống dịch với phun xịt, băng rôn, khẩu hiệu, tuyên truyền… Để khống chế, lây lan dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và huyện phối hợp kiểm tra phòng chống dịch, phun thuốc diện rộng những xã, phường có số mắc cao. Trước khi phun diện rộng, UBND các xã, phường tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng từng thôn, khu phố 1 đến 3 đợt tùy thuộc từng nơi trong suốt mùa mưa kéo dài nhiều tháng. Nghĩa là việc diệt lăng quăng và vệ sinh môi trường xung quanh trong cộng đồng không được thực hiện thường xuyên, chỉ làm khi nào bệnh bùng phát. Với người dân chỉ biết khi nào mắc bệnh tìm tới phòng mạch hay bệnh viện, chứ không biết lịch, lợi ích phun thuốc, diệt lăng quăng. Bởi vậy, nhiều gia đình không chịu phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất, diệt lăng quăng…
Xây dựng ý thức mỗi người
Tại Bình Thuận, sau nhiều năm phòng chống dịch bệnh SXH ngành y tế tìm ra tất tần tật nhiều nguyên nhân SXH tăng, có cả giải pháp khống chế bệnh lây lan; với khách quan do thời tiết biến động mưa nhiều, với nguyên nhân chủ quan môi trường chưa sạch sẽ, người dân thiếu quan tâm… Thế nhưng, tình hình số ca mắc bệnh hàng năm vẫn cao. Đầu năm đến ngày 15/8/2017, Bình Thuận đã có 1.020 ca bệnh SXH, chưa ghi nhận ca tử vong. Song song đó, những chiến dịch, khẩu hiệu được phát động ở các ngành, các cấp, đơn vị, trong khi số lượng bệnh vẫn tăng. Tuy nhiên, sự rầm rộ từ các chiến dịch diễn ra vài ngày, mang tính phong trào. Và rồi, người dân cũng sẽ dễ dàng quên đi những chiến dịch rầm rộ nhất thời, một cách nhanh chóng.
Cho dù mùa nắng hay mùa mưa thì nguồn gốc căn cơ của phòng bệnh SXH là môi trường không có lăng quăng. Nên chăng lúc này cần đề cao, xây dựng ý thức vì cộng đồng trong mỗi người dân bằng cách thường xuyên diệt lăng quăng trong nhà và xung quanh nhà, các vật dụng chứa nước luôn đậy kín… Để xây dựng được ý thức của người dân không thể làm trong một sớm một chiều, mà phải theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Vì thế, các đoàn thể, chi hội từng khu phố, từng cấp phải thường xuyên vận động và cùng người dân diệt lăng quăng…, từ đó mới chuyển biến được nhận thức người dân. Một khi người dân có ý thức cộng đồng về vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, Bình Thuận sẽ hạn chế mức thấp nhất bệnh SXH.
Trang Minh