Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú: Tái diễn tình trạng dân phá rừng trồng thanh long

Đời sống - Ngày đăng : 14:11, 26/10/2017

BT- Dù chính quyền và ngành chức năng đã tuyên truyền, vận động nhưng tình trạng nông dân phá rừng chuyển đổi sang trồng loại cây khác vẫn tiếp diễn. Khoảng cuối tháng 10, khi chúng tôi đến đã ghi nhận có hàng trăm gốc sến, dầu cát trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú bị người dân đốn hạ để chuẩn bị trồng thanh long.
                              
Một số hình ảnh rừng bị phá để trồng thanh    long.

Đốn gần 0,7 ha cây

Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tiến vào khu rẫy Ba Ốm, tại xã Tân Thuận để tận mắt chứng kiến cảnh phá rừng làm rẫy. Tại hiện trường, máy cày, máy ủi đã san bằng cây bụi rộng cả ha. Khi len lỏi vào sâu trong cánh rừng, có khoảng gần 100 cây sến, dầu cát… lớn, nhỏ đường kính từ 5 cm đến 20 cm bị người dân đốn hạ. Diện tích bị phá nằm lọt thỏm giữa rừng, khoảng 0,5 ha. Gỗ đã bị lấy đi, còn trơ lại cành, lá chưa kịp khô, có cây chưa ráo mủ. Anh L.T, người dân bức xúc cho biết: “Mấy người phá rừng thường làm từ chiều tối đến đêm, có khi làm sáng sớm. Có những cây lớn họ cưa bằng máy còn cây nhỏ chặt bằng tay. Đa số người phá rừng đều có rẫy xung quanh Khu bảo tồn Tà Cú nhưng lực lượng chức năng ngó lơ, hiện tại nhiều trụ thanh long chuẩn bị trồng trên đó rồi. Người dân ở đây cần cây nhỏ làm trụ điện lên chặt thì bị kiểm lâm bắt, còn tụi phá rừng cây lớn như vậy mà kêu không biết là sao?”. Ông Nguyễn Ngọc Loan - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam cho rằng, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp của khu bảo tồn để trồng thanh long của một số hộ dân ở đây diễn ra phức tạp. Mặc dù chính quyền xã đã tuyên truyền, phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị chủ rừng để hạn chế tình trạng phá rừng nhưng chưa hiệu quả. Năm 2017 có phát sinh tình trạng người dân phá rừng trồng thanh long. Bên cạnh một số hộ tiến hành làm trên rẫy cũ, thì cũng có một số bà con có dấu hiệu lấn sâu vào trong rừng. Gần đây có trường hợp gần khu nghĩa địa, xã đã thường xuyên nhắc nhở địa chính kiểm tra và phát hiện một số diện tích bị lấn. Xã đã báo lãnh đạo khu bảo tồn và kiểm lâm địa bàn phối hợp kiểm tra xác minh, truy tìm làm rõ các đối tượng này để có hình thức xử phạt, thu hồi đất.

Ông Trần Tuấn Dũng - nhân viên bảo vệ rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú cho biết: Thời gian gần đây, ông đã lập biên bản 2 trường hợp lấn chiếm đất khu bảo tồn, diện tích bị san ủi nằm cạnh vườn thanh long. Hiện vẫn chưa truy được đối tượng. Còn số diện tích nằm sâu trong rừng vừa bị chặt hạ cây gỗ thì chưa biết. Nguyên nhân là nhân viên bảo vệ rừng mỏng, không kiểm soát nổi. Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Hữu Phương - Phó Giám đốc phụ trách Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú cho biết: Ngay sau khi báo chí vào cuộc, ông đã cùng kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam và chính quyền xã Tân Thuận vào hiện trường kiểm tra. Tổ kiểm tra đã phát hiện 48 gốc sến, đường kính từ 10cm đến 15cm bị đốn hạ với diện tích 0,7 ha. Còn diện tích sát vườn thanh long bị san, ủi là 1 ha. Ông Phương cũng cho biết sẽ phối hợp xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng.

 Cần xử lý nghiêm

Được biết, vào cuối tháng 8/2016, UBND tỉnh đã có Quyết định 2517 công nhận hiện trạng đang sử dụng đất của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú với diện tích trên 9.781 ha. Riêng đối với 676 ha đất đang bị các hộ dân lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp, trong thời gian chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị tư vấn tổ chức bàn giao số liệu, bảo vệ hiện trạng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú phối hợp với lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương tăng cường quản lý, bảo vệ hiện trạng đất rừng, không để các hộ dân mở rộng, cơi nới thêm diện tích sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp với UBND huyện Hàm Thuận Nam và các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, đề xuất hướng xử lý dứt điểm việc lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp.

Như vậy, cuối năm 2016 có 676 ha bị dân lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng thanh long. Trong số này có diện tích canh tác trước khi thành lập khu bảo tồn (trước năm 1996) và một phần không nhỏ diện tích mới lấn chiếm. Có 5 xã, thị trấn nằm quanh khu bảo tồn là Thuận Quý, Tân Thành, Tân Thuận, Hàm Minh và Thuận Nam. Khi thanh long có giá, việc lấn chiếm đất trong khu bảo tồn vẫn “âm thầm” diễn ra. Thiết nghĩ, ngành chức năng cần có kế hoạch rà soát, thống kê, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành điều tra, xác định những đối tượng phá rừng để có biện pháp xử lý nghiêm minh, nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng trồng thanh long.

THU HÀ