Chợ Phú Thủy: Ngạt thở vì rác
Đời sống - Ngày đăng : 08:40, 09/11/2017
Vào chợ phải bịt mũi
Theo tiểu thương Trần Thị Gái (chợ Phú Thủy - Phan Thiết), tiền vệ sinh đều được người bán đóng góp đầy đủ, nhưng người bán và người mua đều chịu đựng trong không gian hôi thối hàng ngày. Dần dần, số lượng người vào chợ giảm nhiều, và buôn bán trở nên ế ẩm. Chị đành thuê 1 ô khác ở đầu chợ để bán chả cá, với giá 600.000 đồng/tháng. Còn ô của chị thì phải bỏ trống bởi gần hố rác.
Bãi tập kết rác trong khu chợ Phú Thủy mở rộng. |
Nguyễn Thị Đ. (kinh doanh mặt hàng hải sản tươi sống) phàn nàn: “Chị sang lại kiốt bán hải sản trong khu chợ Phú Thủy mở rộng, nhưng vị trí nằm sát điểm tập kết rác. Do quá dơ, nên rất ít khách tới mua hàng; chủ yếu đóng hàng bỏ mối cho khách thân quen. Mặc dù đã 2 lần chi 2 triệu đồng để thuê người dọn dẹp, nhưng đâu lại vào đấy”.
Chị Trần Thị Kim Liên (phường Hưng Long), một người dân thường đi chợ này nói rằng: “Mỗi lần vào chợ mua cá, tôi đau đầu với mùi rác ngay trong khu chợ, tồn tại hơn 3 tháng nay. Thật ngán ngẩm!”
Theo ghi nhận, cuối khu vực bán hải sản tại chợ Phú Thủy mở rộng là điểm tập kết rác hàng ngày của cả chợ. Bước vào chợ, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên, khiến ai đi qua cũng phải lấy tay bịt mũi. Sau mỗi phiên chợ, một lượng lớn rác thải, nước thải của các cửa hàng, kiốt như túi nilon, giấy rác, rau thải, sản phẩm thừa trong hoạt động giết mổ gà, vịt, cá bị bỏ lại gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ.
Rác vứt bừa bãi
Theo ông Võ Văn Hiền (Trưởng Ban quản lý chợ Phú Thủy), mặc dù một số hộ dân đóng tiền rác cho khu phố, nhưng không để rác trước nhà chờ xe thu gom (do sợ hôi thối). Thậm chí, một hộ dân gần chợ hốt bùn từ hố ga đem vào chợ đổ trong lúc tiểu thương đang mua bán. Nhân viên dọn vệ sinh đã ngăn cản, nhưng hộ này mắng chửi và đòi hành hung. Phần lớn, hành vi bỏ rác của các hộ dân chủ yếu là vào ban đêm với các loại rác thải sau giết mổ gia cầm, bùn đất, xà bần, chậu cá cảnh… Rác vứt bừa bãi, không được bỏ vào giỏ như rác của tiểu thương nên xe rác không chịu thu gom hết. Ngày qua ngày, lượng rác tồn đọng là điều hiển nhiên. Trong khi buổi tối chỉ có 2 nhân viên bảo vệ giữ tài sản của tiểu thương ở khu chợ cũ nên không thể kiểm soát được.
Ông Hiền cho biết: Toàn chợ có khoảng 300 ô, sạp, kiốt kinh doanh các loại mặt hàng, với phí vệ sinh 25.000 - 30.000 đồng/tháng, đạt khoảng 80% số tiểu thương tham gia. Số tiền này được sử dụng vào việc đảm bảo vệ sinh, trong đó phí thuê xe rác 4,2 triệu đồng/tháng. Trước đây, khi có rác tồn đọng Ban quản lý chợ hợp đồng riêng với đội vệ sinh của Công ty cổ phần Môi trường & Dịch vụ đô thị Bình Thuận để dọn dẹp, 500.000 - 600.000 đồng/lần. Gần đây, nhân viên xe gom rác chỉ lấy rác chứa trong giỏ, không lấy rác bên ngoài giỏ và đề nghị mua thêm các thùng chứa rác chuyên dụng. Ban quản lý đang chờ UBND phường Phú Thủy tính toán kinh phí.
Thiết nghĩ, Ban quản lý chợ Phú Thủy sớm hợp đồng cho đơn vị thu gom rác dọn dẹp sạch sẽ điểm tập kết rác để việc mua bán được diễn ra thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, UBND phường Phú Thủy cần tuyên truyền, xử lý các hộ dân vứt rác bừa bãi tại khu vực tập kết rác của chợ Phú Thủy. Đồng thời, sắp xếp lại khu vực mua bán cách xa hố rác một cách hợp vệ sinh.
Trang Minh