Hàng quán dưới chân cầu Sông Lũy: Sắp xếp lại để đảm bảo an ninh trật tự

Đời sống - Ngày đăng : 09:14, 08/11/2017

BT- Khi cầu Sông Lũy khánh thành, nối 2 bờ Hòa Phú – Phan Rí Cửa, đời sống của người dân xứ biển đổi thay từng ngày. Con đường trải nhựa thẳng tắp kéo dài từ xã Hòa Phú đến Hòa Thắng, Mũi Né đã kéo theo đời sống vật chất lẫn tinh thần của bà con nơi đây sang trang mới. Nhưng từ khi có cầu, kinh tế phát triển, hàng quán dưới chân cầu đua nhau mọc lên san sát, kéo theo bao hệ lụy phát sinh.
                       
Hai bên đường dưới chân cầu Sông Lũy, hàng    quán rất nhiều.

Trở lại Hòa Phú gần đây, không khó để thấy sự thay đổi chóng mặt từ cơ sở hạ tầng đến đời sống của người dân. Sau khi cầu Sông Lũy khánh thành (năm 2010), dân Hòa Phú vui như mở hội. Cùng với đó, tuyến đường ven biển Hòa Phú – Hòa Thắng đưa vào sử dụng giữa năm 2016, góp phần thúc đẩy du lịch các điểm phía Bắc tỉnh phát triển. Cầu Sông Lũy trở thành tâm điểm của dân cư 2 địa phương, khi chiều chiều mọi người thong thả tản bộ, lên cầu ngắm ghe thuyền cập bến, rồi cùng nhau hóng mát, ăn uống… Riết rồi thành quen, vài xe nước mía, đôi quán trà sữa, cá viên di động mọc lên… đáp ứng nhu cầu của dân địa phương. Sau vài tháng, khu vực này bỗng chốc trở thành “phố” ăn uống. Hai bên vỉa hè, hàng quán mọc lên san sát từ quán nhậu bình dân, xiên que, hải sản, nước uống… kéo dài hơn cây số, sầm uất, nhộn nhịp. Đêm đến, khu vực này sáng trưng, trở thành điểm hẹn lý tưởng của cư dân địa phương và các vùng lân cận. Tuy nhiên, việc buôn bán đại trà, tạm bợ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm và không theo quy hoạch nên khu vực trở nên nhếch nhác, dân xả rác bừa bãi, tiểu tiện tùy thích... Ngoài ra, đã có tình trạng thanh niên xô xát, đánh nhau sau khi nhậu gây mất an ninh trật tự.

Trao đổi vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú – Nguyễn Đức Thành cho biết: “Hiện khu vực này có gần 50 hộ buôn bán, đa phần đều là dân ở thị trấn Phan Rí Cửa. Chúng tôi cũng tạo điều kiện cho người dân kinh doanh và cho các hộ ký cam kết tự phòng, tự quản là chính. Trước khi các hộ buôn bán, thì khu vực này khá phức tạp vì chưa có đèn đường chiếu sáng. Thanh thiếu niên thường tụ tập hút chích, không riêng gì dân địa phương mà thanh niên các nơi lân cận thường tìm đến các khu vực hồ tôm để húy chích ma túy. Rồi  trộm cướp, đánh nhau cứ xảy ra liên miên. Từ khi các hàng quán mọc lên, đường sá đông đúc thì tình trạng đó giảm hẳn. Để khắc phục sự “nhếch nhác” gần đây, chúng tôi sẽ cho họp các hộ buôn bán để nhắc nhở nhằm giữ gìn vệ sinh chung. Chúng tôi sẽ tăng cường quản lý để khu vực này trở thành điểm nhấn đẹp của địa phương”.

Thực tế tuyến đường ven biển Tuy Phong đã đón khách du lịch từ vùng biển Mũi Né – Hòa Thắng, và Hòa Phú là điểm dừng chân lý tưởng nếu có phố hải sản tươi ngon, giá bình dân. Tuy nhiên, để các hàng quán nơi đây hoạt động nề nếp, ngành chức năng cần có sự định hướng, quy hoạch rõ ràng, có biện pháp quản lý chặt chẽ, có thu có phạt để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”. Đặc biệt, trong dịp Tết cổ truyền sắp tới, lượng khách du lịch qua cung đường này sẽ tăng cao, chính quyền địa phương cần tăng cường giám sát tránh sự việc không hay xảy ra, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương trong những ngày vui xuân.

M.Vân