Những phụ nữ thoát nghèo nhờ đồi cát Mũi Né
Đời sống - Ngày đăng : 09:35, 23/11/2017
BT- Cha mẹ sinh tới 6 người con nhưng chỉ 2 em út được đi học, 4 anh chị chịu cảnh dốt chữ, Nguyễn Thị Hai cũng vậy. Lấm lem cát bụi cuộc đời ngay từ thời niên thiếu với đủ thứ nghề đặc thù của vùng biển. 20 tuổi, có chồng, cũng là một ngư dân. Kiếp làm thuê tiếp tục bởi đứa con đầu lòng ra đời ngay sau đó đưa cuộc sống đôi vợ chồng trẻ tới những khó khăn mới vì phải tự túc lo toan mọi thứ. Vậy mà chỉ cần một cơn gió lành mang tên nhật thực toàn phần ở Phan Thiết vào tháng 10/1995 thổi qua, cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Hai chuyển sang trang trang mới. Khách du lịch khắp nơi liên tục đổ về, cuộc mưu sinh trên đồi cát bắt đầu.
8 năm qua, cung đường từ nhà lên đồi cát dài 3km trở nên ngắn ngủi và quen thuộc. Đồ nghề ván trượt gởi lại tại chỗ, bầu bạn với chị Hai mỗi ngày là đôi quang gánh. 4 giờ sáng quảy gánh ra khỏi nhà. 10 giờ quay về nhà lo cơm nước cho chồng con và trở lại đồi cát sau bữa cơm trưa và chỉ về nhà khi trời chập choạng tối. Cái tên Hai ve chai ra đời bởi dọc đường đi, về, chị Hai luôn ngó quanh quất tìm phế liệu để nhặt, tháng nào cũng bán được 700- 800 ngàn đồng. Tiền cho thuê ván trượt, tiền công chồng kiếm được từ việc đi biển, chạy xe ôm và cào chần chần, tiền bán phế liệu… tích cóp lần hồi cất được căn nhà cấp 4 trị giá vài trăm triệu đồng. Trên tường của căn nhà mới dán đầy giấy khen thành tích học tập của 3 đứa con sau là Hải, Hà, Châu.
Nguyễn Thị Hai còn là người thơm thảo, giới thiệu nghề cho chị em chưa có việc làm, gia cảnh khó khăn, giúp đỡ người khác qua cơn thắt ngặt… Chị Hai nói rất thật lòng: “Em không giàu có nhưng rất sẵn lòng giúp người khó khăn hơn mình vài lon gạo hay một ít tiền. Vì em cũng từ trong cực khổ bước ra mà”. Chị em mua bán trên đồi cát còn rất nể phục chị Hai trong việc giao tiếp dễ dàng với khách nước ngoài chỉ bằng vốn tiếng bồi của các ngoại ngữ Nga, Anh, Trung, Hàn… mặc dù tiếng Việt “một chữ bẻ đôi” cũng không biết viết.
Chuyện chị Mai
Hơn 20 năm trước, một gia đình trẻ ôm con từ Bình Định vào Nam tìm kiếm cơ hội làm ăn và vùng đất Bình Thuận đã giữ chân họ. Để kiếm cơm mỗi ngày, vợ chồng thay phiên nhau cứ người này chăm con thì người kia bươn chải với đủ nghề, chạy xe ôm, mua bán…
Khi vùng đất hoang sơ Mũi Né được “đánh thức”, với nghề chụp hình từ khi còn ở quê, họ chuyển sang cầm máy ảnh. Khi BQL Khu du lịch Mũi Né - Hòn Rơm sắp xếp, tổ chức lại việc kinh doanh, mua bán, vợ trước, chồng sau, lần lượt trở thành người của tổ chụp ảnh dạo. Mấy chục năm nay và có lẽ về sau nữa, chị là tay máy nữ chụp ảnh dạo duy nhất của đồi cát Mũi Né. Đó là chị Nguyễn Thị Kim Mai ở KP15, phường Mũi Né.
“Có ngày không chụp được tấm nào nhưng cũng có hôm trúng mánh” là cảnh vợ chồng chị Mai thường gặp. Khi trời sụp tối, chị phóng xe máy ra Hòn Rơm rửa ảnh rồi một mình vào Phan Thiết tìm đến từng khách sạn để giao ảnh, nhận tiền và một ngày làm việc kết thúc khi trời đã thực sự vào đêm. Làm ăn cần mẫn từng chút một như thế mà anh chị nuôi con trai đầu nay đã là kiến trúc sư, con gái giữa đang học Đại học Y dược và cậu út học công nghệ thông tin. Chị Kim Mai tâm sự: “Khổ nhất là giai đoạn chưa vào nghề chụp ảnh. Lúc đó, sống trong căn chòi rách ở Hàm Phú, Hàm Thuận Bắc và cả gia đình trông chờ vào mảnh đất rẫy. Cái “mác” hộ nghèo đeo đẳng nhưng vợ chồng tôi không để đứa con nào bỏ học”.
Ngoài việc kiếm tiền hàng ngày, chị Mai còn tham gia công tác địa phương và là chi hội trưởng phụ nữ khu phố nhiều năm nay, là tổ trưởng tổ phụ nữ giao tiếp thân thiện với người nước ngoài ở Mũi Né.
Không chỉ hoàn thành tất cả các công việc được giao, được tặng giấy khen hàng năm, chị Mai còn là một hình mẫu trong việc mua bán văn hóa, văn minh trên đồi cát để “khách còn quay lại lần hai, lần ba”. Giờ cả ngày vẫn bám trụ trên đồi cát, lam lũ nắng mưa, cũng bị cạnh tranh nhiều bởi các đồng nghiệp nam và công nghệ chụp ảnh bằng điện thoại di động nhưng những cực nhọc đã vơi dần nên chị vui lắm.
Chị Phạm Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN phường Mũi Né nhận xét: “Hai chị xuất thân nghèo khổ và nhờ lao động cần cù mà thoát nghèo, lại còn nuôi con thành đạt. Đó là hai tấm gương sáng về nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống”.
Mai Kim Dung