Chủ quan không tiêm phòng, 2 người tử vong do chó dại cắn
Đời sống - Ngày đăng : 16:51, 29/12/2017
Chó cắn khiến tử vong
Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, trường hợp đầu tiên là anh T.V.C (sinh năm 1980 trú tại thôn Dân Cường, xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam) bị một con chó thả rông cắn chảy máu ngón tay vào cuối tháng 10/2016. Sau đó anh C chủ quan không đi tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh dại. Hai tháng sau, anh C không nói được, sợ nước, sợ gió nên người nhà đưa đi nhập viện tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận và được chẩn đoán bệnh dại. Người nhà xin đưa anh C về và đưa đến nhà thầy lang để chữa bằng thuốc nam nhưng đã anh mất vào ngày 02/01/2017.
Trường hợp tiếp theo là cụ bà NTN (sinh năm 1941 ngụ xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc) bị một con chó con cắn vào tháng 11/2017 và không đi tiêm ngừa. Một tháng sau, bà N có dấu hiệu mệt mõi, nôn, sợ nước, sợ gió nên người nhà đưa đi nhập viện bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận. Qua theo dõi và thăm khám, bác sĩ kết luận bà N bị bệnh dại. Bà N mất vào ngày 09/12/2017.
Các cẩm nang tuyên truyền về Bệnh dại
Theo các chuyên gia y tế, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên vùng da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%, thời gian ủ bệnh từ vài tuần đến hàng năm tùy theo vị trí vết cắn và trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.
Khuyến cáo của ngành y tế
Khi bị chó mèo cắn, việc xử lý vết thương rất quan trọng, xử lý đúng có thể giảm tới 30% nguy cơ phát dại, Bác sĩ Hoàng Văn Hùng -Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bình Thuận chia sẻ cách xử lý vết thương ban đầu:
Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Có thể dùng bất cứ loại xà phòng nào để rửa, nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước sạch thông thường. Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine. Hạn chế làm loét, làm dập vết thương, tuyệt đối không bóp nặn và không băng kín vết thương do súc vật cắn, bởi điều này khiến cho virus dại xâm nhập vào thần kinh nhanh hơn. Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau để chủ động phòng chống bệnh Dại:
Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Gia đình cần theo dõi sát tình trạng sức khỏe chó, mèo trong vòng 15 ngày kể từ khi bị cắn. Nếu chó, mèo bị bệnh, chết không rõ nguyên nhân, cần liên hệ cơ quan thú y để được hướng dẫn cách xử lý. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Bệnh dại có các biểu hiện lâm sàng trên người như sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%. Tuy nhiên, hiện nay người dân còn chủ quan, chưa nhận thức được sự nguy hiểm của việc bị chó mèo cắn và có những cách xử lý rất sai lầm như: uống thuốc nam, dùng dầu gió, dầu hỏa cho vào vết thương và tự đắp ớt, đắp lá chữa trị. Người dân cần chủ động tiêm phòng vắc xin dại, khi đã có miễn dịch trong người, nếu bị súc vật tấn công chỉ cần tiêm nhắc lại là hoàn toàn yên tâm không mắc bệnh dại.
P.T