Nguy cơ khai thác quá mức nước ngầm ven biển

Đời sống - Ngày đăng : 08:45, 17/01/2018

Khai thác, chế biến titan gây ô nhiễm nguồn nước

BT- Nhiều năm qua, việc khai thác, chế biến ti tan của doanh nghiệp tại những vùng đồi cát ven biển tỉnh ta đã gây ô nhiễm, suy thoái các tầng chứa nước dưới đất. Theo các chuyên gia, hoạt động tuyển quặng cần khối lượng nước lớn cho nhiều công đoạn sản xuất tại các hố vít khai thác đến tuyển tách quặng thô, quặng tinh (theo công thức khoảng 3 m3 nước tách 1 m3 cát quặng). Dự báo trữ lượng khoáng vật nặng có ích trên địa bàn tỉnh 500 triệu tấn, trong đó hàm lượng cát quặng 5%, nguồn nước dưới đất về lâu dài không đủ cung cấp để tuyển rửa. Trong quá trình khai thác ti tan cũng làm thay đổi bề mặt địa hình các cồn cát ven biển, thứ tự địa tầng của các lớp cát cũng hoàn toàn bị xáo trộn, thay đổi so với ban đầu; rừng phòng hộ ven biển bị suy giảm, không còn lớp thực vật che phủ. Ngoài ra, nguồn nước cho sinh hoạt, nước phục vụ nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, du lịch của các vùng ven biển cũng bị ảnh hưởng…

Điển hình Công ty TNHH thương mại Tân Quang Cường đào hồ chứa nước trái phép để khai thác hố moong ti tan rộng 4.000 m2 tự ý đào trước đó đã làm vỡ bờ moong chứa nước, khối lượng lớn bùn đỏ nhão nhoẹt chảy tràn xuống lấp đường tỉnh lộ ĐT. 719, cây cối, khu du lịch gần đó. Còn trước đó, 5 doanh nghiệp trong thời gian dài được cấp giấy phép đã sử dụng nguồn nước dưới đất để khai thác, chế biến ti tan ở mỏ Thiện Ái (xã Hòa Thắng, Bắc Bình) làm nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương nhiễm mặn, nguy cơ cạn kiệt. Hay tại phường Bình Tân (thị xã La Gi), một công ty phải dừng khai thác ti tan, do làm ô nhiễm nguồn nước dưới đất dùng cho sinh hoạt khu vực dân cư Tân Long. Vùng ven biển Sơn Mỹ (Hàm Tân), Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tấn Phát khai thác titan sau khi rút đi để lại ngổn ngang ao hồ…

Theo thống kê, tổng lượng nước khai thác cho ti tan, các lĩnh vực khác khoảng 100.000 m3/ngày, tập trung chủ yếu ở vùng cát ven biển. Tình trạng khai thác nước dưới đất vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ mất cân bằng về khai thác nguồn tài nguyên này rất cao, ảnh hưởng suy thoái cả về số lượng, chất lượng nước dưới đất trong toàn vùng ven biển.

 Quy hoạch phân bổ nguồn nước ven biển

Cuối tuần qua, Sở Tài nguyên & Môi trường cùng đơn vị tư vấn đã báo cáo UBND tỉnh dự án quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất vùng cát ven biển tỉnh Bình Thuận. Phạm vi vùng quy hoạch gồm toàn bộ diện tích vùng cát, đồng bằng, cửa sông ven biển từ Tuy Phong đến Hàm Tân, với tổng diện tích tự nhiên 3.200 km2. Mục tiêu dự án đánh giá hiện trạng khai thác sử dụng nước dưới đất trong vùng quy hoạch; dự báo những tác động tới chất lượng nguồn nước trong khu vực khai thác ti tan, nhu cầu sử dụng nước ngầm theo từng giai đoạn; nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, du lịch, sinh hoạt… Qua đây, Sở Tài nguyên & Môi trường đề xuất các biện pháp khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất ở các  khu vực, giải quyết nhu cầu sử dụng nước cho khai thác ti tan; đảm bảo an ninh lâu dài nguồn nước dưới đất. Nguồn nước này cũng sẽ đảm bảo cấp nước sinh hoạt, phục vụ công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, du lịch; phát triển kinh tế, xã hội, dân sinh vùng quy hoạch… Đến năm 2020 phân bổ tài nguyên nước hài hòa giữa các mục đích sử dụng, tiết kiệm nước. Năm 2030, sau khi lập quy hoạch tổng thể theo lưu vực sông đảm bảo khai thác ổn định, lâu dài nguồn nước mặt, nước dưới đất trên các lưu vực sông phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế tại địa phương với tổng lượng khai thác không vượt quá giới hạn…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam thống nhất các giải pháp thực hiện dự án trên, đề nghị Sở Tài nguyên & Môi trường bổ sung bản đồ, số liệu một số địa phương ven biển bị xâm nhập mặn, nguồn nước ngầm nghèo nàn, hoàn chỉnh dự án trình UBND tỉnh phê duyệt.          

T.Khoa